Những ngày gần đây, dọc tuyến biển từ khu vực Bãi Trước đến Bãi Dâu, Bãi Dứa (TP Vũng Tàu), lượng lớn rác chủ yếu là lục bình đã theo thủy triều dạt vào. Trong rác tự nhiên còn đi kèm nhiều rác thải sinh hoạt như chai lọ, nón bảo hiểm, thùng xốp, thậm chí có cả túi ni-lông và đồ nhựa cũ.
Ông Lê Ngọc Hải, người dân Phường 2, TP Vũng Tàu cho biết, rác tràn về bãi tắm thời gian qua không phải là chuyện hiếm, nhưng lần này rác quá nhiều, kèm với mùi hôi do lục bình phân hủy nên nhiều người e ngại khi tắm biển.
"Nhiều người muốn tắm biển phải dùng tay, cây gạt rác qua một bên mới xuống nước được, đồng thời khi lên bờ cũng bị dính rất nhiều rác trên người, tạo cảm giác khó chịu", ông Hải nói.
Ông Nguyễn Xuân Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ môi trường và Công trình đô thị Vũng Tàu (đơn vị được TP Vũng Tàu giao nhiệm vụ tổ chức thu gom, xử lý rác thải đại dương) cho biết, chưa có năm nào lượng rác lại nhiều như năm nay. Cụ thể, rác đại dương bắt đầu tràn về Bãi Trước vào cuối tháng 5, vào đầu mùa lượng rác còn ít chỉ khoảng 10 tấn/ngày. Tuy nhiên, sau đó rác càng lúc càng ồ ạt. "Hiện nay, không chỉ gần 1km bãi biển Bãi Trước đầy rác mà các bãi lân cận như Bãi Dâu, Bãi Dứa cũng bị sóng biển đánh khiến rác trôi nổi khắp nơi", ông Hậu thông tin.
Rác trôi dạt vào khu vực Bãi Trước
Theo ông Nguyễn Đức Mạnh, Quản lý đội dọn rác đại dương thuộc công ty này cho biết thêm, năm nay, rác đại dương tấn công biển Vũng Tàu không theo một chu kỳ nào cả. Hơn 2 tháng qua, dù công ty và nhiều đơn vị khác hỗ trợ thu gom cật lực nhưng biển vẫn chưa ngày nào hết rác. Thành phần của rác đại dương chủ yếu là lục bình, hộp xốp, túi ni-lông…
Cũng theo ông Mạnh, nguyên nhân xuất hiện lượng rác khổng lồ là do sóng biển và dòng ven bờ thay đổi theo gió mùa, mang theo rác từ sông (sông Sài Gòn - Đồng Nai - Soài Rạp, sông Tiền, cửa Lấp, sông Ray…) ra biển sau đó trôi dạt vào bờ. Bờ Biển TP Vũng Tàu chịu tác động chính của sóng theo hai mùa gió chính: gió Đông Bắc (từ đầu tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau) và gió Tây Nam (từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm). Hiện tượng rác trôi dạt thường xảy ra vào thời điểm chuyển mùa gió, tháng 4-5, và tháng 9-10 sau đó kéo dài.
"Bình thường, khoảng gần 1km khu vực Bãi Trước, Công ty CP Dịch vụ môi trường và Công trình đô thị Vũng Tàu chỉ cử 3 công nhân làm vệ sinh bãi biển. Nhưng từ khi xuất hiện rác đại dương, mỗi ngày công ty phải huy động hơn 30 công nhân làm việc liên tục từ 4h sáng đến 17h chiều để cào rác từ dưới biển lên và đồng thời đưa rác lên bờ, ép rác bằng xe chuyên dụng…Mặc dù đã làm việc cật lực, lực lượng công nhân chỉ thu gom được 15-20 tấn/ngày, vẫn còn một lượng rác khá nhiều trên biển không thể thu gom kịp", ông Mạnh nói.
Một người dân thu gom rác làm sạch bãi tắm
Ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu cho biết, khi lượng rác thải dạt vào các bãi biển ở Vũng Tàu với số lượng nhiều, chính quyền địa phương đã chỉ đạo Công ty CP Dịch vụ môi trường và Công trình đô thị Vũng Tàu phối hợp lực lượng liên quan nhanh chóng thu gom, làm sạch bãi biển.
"Địa phương đã xây dựng đề án thu gom rác trên biển, không để dạt vào các bãi tắm làm ảnh hưởng đến người dân, du khách, trình UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xem xét phê duyệt và đã được chấp thuận về mặt chủ trương. Các cơ quan chức năng đang hoàn tất các thủ tục để triển khai đề án này nhằm hạn chế tình trạng rác đại dương cập bờ ảnh hưởng đến các bãi tắm trên địa bàn", ông Thuấn thông tin.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!