Xâm nhập mặn tăng nhanh
Theo tính toán, khi độ mặn vượt quá 1 phần nghìn là đã không thể sử dụng được cho sinh hoạt, nếu vượt quá 4 phần nghìn cây không sinh trưởng được và chết.
Thực tế, theo ghi nhận của phóng viên VTV tại nhiều tỉnh ở ĐBSCL, có thời điểm độ mặn đã lên đến 8-9 phần nghìn. Và với tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng này càng ngày càng có những diễn biến khó lường, thậm chí không chỉ diễn ra ở vùng ĐBSCL mà cả nhiều tỉnh Bắc Trung Bộ. Theo quy luật hàng năm, tại các tỉnh ĐBSCL xâm nhập mặn thường diễn ra vào tháng 4, tháng 5, thế nhưng năm nay tháng 7 đã bất ngờ diễn ra xâm nhập mặn.
Đối với tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, người dân địa phương cho biết, đây là đợt xâm nhập mặn nhanh chưa từng có trong vòng 20 năm qua. Trở tay không kịp là tình trạng chung của các ngành quản lý và nông dân. ĐBSCL nhiều năm nay chịu xâm mặn lớn nhất và gay gắt cả nước. Riêng tỉnh Hậu Giang, năm nay đã có 12.000ha lúa vụ 3 không thể gieo trồng, hàng nghìn ha cây ăn trái giảm năng suất.
Nước mặn đi sâu vào nội đồng
Theo dự báo, 15 năm nữa sẽ có tới 45% diện tích của ĐBSCL đối mặt với nguy cơ nhiễm mặn. Eninol gây mưa ít cộng với các công trình thủy lợi, thủy điện chặn dòng ở thượng nguồn đã là những nguyên nhân khiến xâm ngập mặn đến sớm và kéo dài.
Qua từng năm, nhiều nơi nước mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng từ 50 đến 70km, độ mặn cũng cao hơn. Theo tính toán, nếu nước biển dâng 1m có khoảng 39% diện tích ĐBSCL có nguy cơ bị ngập, gần 35% dân số bị ảnh hưởng và sẽ có khoảng 70% diện tích lúa bị nhiễm mặn.
Theo từng giai đoạn, năng suất lúa dự báo giảm 8-15% vào năm 2030. Việc ảnh hưởng của xâm ngặp mặn đến nuôi trồng và đánh bắt các loại thủy, hải sản… cũng sẽ ngày càng khó lường.