Cầu làng A Mơng, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh (Gia Lai). (Ảnh: Báo GT)
Từ năm 2018 đến nay, Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) do Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) đã đầu tư hơn 191 tỷ đồng xây dựng 87 cầu, cống cho người dân ở vùng khó, vùng tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại Gia Lai.
Các công trình này tập trung ở các huyện như: Krông Pa (6 công trình, tổng vốn hơn 52,7 tỷ đồng), Đăk Đoa (11 công trình, gần 33 tỷ đồng), Mang Yang (8 công trình, 22,8 tỷ đồng), Chư Păh (11 công trình, trên 4,6 tỷ đồng)…
Những chiếc cầu không chỉ giúp người dân an toàn hơn trên những cung đường, mà còn tạo điều kiện cho các xe trọng tải lớn vận chuyển hàng hóa, vật tư nông sản, góp phần phát triển kinh tế.
Hiện Gia Lai có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 44% dân số, chủ yếu sống ở các buôn làng vùng sâu, vùng xa với hệ thống giao thông nông thôn còn khó khăn.
Qua tiến hành rà soát, Sở Giao thông vận tải tỉnh Gia Lai cho biết hiện vẫn còn tồn tai nhiều công trình vượt sông suối bằng cầu tự chế, cầu thân cây gỗ, cống nhỏ khiến việc lưu thông của người dân gặp khó khăn và nguy hiểm, gây mất an toàn nhất, nhất là vào mùa mưa lũ.
Vì vậy, nhu cầu xây dựng cầu dân sinh tại các địa bàn dân cư rất lớn. Cụ thể, toàn tỉnh còn 48 vị trí cần đầu tư xây dựng công trình cầu, cống. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải đã đồng ý 4 vị trí đầu tư.
Sở Giao thông vận tải tỉnh Gia Lai đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục xem xét, ưu tiên đầu tư 44 cây cầu tại 12 huyện, thị xã, thành phố khi có vốn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!