Xây dựng cơ chế đặc thù để 6 cơ quan báo chí chủ lực tạo thành sức mạnh truyền thông

Nguyễn Quân-Thứ ba, ngày 12/11/2024 17:32 GMT+7

ĐBQH tại hội trường sáng 12/11.

VTV.vn - Nhiều vấn đề liên quan đến quản lý, phát triển báo chí trong chuyển đổi số đã được đại biểu Quốc hội đặt ra với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Cho phép cơ quan báo chí lớn được kinh doanh nội dung, lĩnh vực truyền thông

Nêu câu hỏi chất vấn, ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên) đề cập, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa báo chí truyền thống và internet, mạng xã hội, ngoài việc tăng cường chất lượng, đẩy mạnh số hóa báo chí thì bài toán kinh tế báo chí, mô hình kinh doanh báo chí sẽ phải giải quyết như thế nào để báo chí truyền thống có thể cạnh tranh và tồn tại, làm tốt vai trò người lính xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước?

Xây dựng cơ chế đặc thù để 6 cơ quan báo chí chủ lực tạo thành sức mạnh truyền thông - Ảnh 1.

ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên)

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, "báo chí cách mạng thì cách mạng phải nuôi". Cách đây nhiều năm, khi kinh tế thị trường mới ở Việt Nam, các doanh nghiệp phải quảng cáo để bán hàng nên chi khá nhiều tiền cho quảng cáo và lúc đó chỉ có mỗi phương tiện là báo chí.

Hiện nay, dù mong muốn tự chủ và hoạt động linh hoạt hơn, các cơ quan báo chí truyền thống đang phải đối mặt với thách thức lớn khi nguồn thu từ quảng cáo trực tuyến bị mạng xã hội chiếm lĩnh. Điều này càng trở nên khó khăn hơn khi số lượng cơ quan báo chí ngày càng tăng (880) trong khi nguồn thu lại giảm sút.

Dẫn Chỉ thị của Thủ tướng về truyền thông chính sách, bộ, ngành, địa phương phải coi truyền thông là việc của mình, phải có ngân sách hàng năm để thực hiện, Bộ trưởng nhấn mạnh: "Trước đây ta cứ nghĩ đây là việc của báo chí, họ lấy tiền đâu thì không biết, không chi ngân sách cho việc đấy. Đây là việc cần thay đổi".

Vì vậy, từ năm ngoái các cơ quan đã tăng ngân sách cho báo chí. Khi sửa Luật Báo chí sắp tới, Bộ sẽ có một mục nói về kinh tế báo chí, cho phép cơ quan báo chí lớn được kinh doanh nội dung, lĩnh vực truyền thông. Bộ trưởng cho rằng, "nếu báo chí chạy theo mạng xã hội sẽ đứng ở phía sau". Báo chí phải có cách làm khác biệt là "quay lại giá trị cốt lõi, dùng công nghệ số, lấy lại trận địa, tăng số lượng độc giả, thu hút quảng cáo".

"Trong quy hoạch báo chí có nội dung, Nhà nước tập trung đầu tư có trọng tâm trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực để trở thành sức mạnh truyền thông, tạo điều kiện, cơ chế đặc biệt cho họ. Tôi rất mong Quốc hội ủng hộ giao Chính phủ xây dựng cơ chế đặc thù cho các cơ quan báo chí chủ lực", Bộ trưởng thông tin.

Làm tốt công tác truyền thông chính sách để tăng nguồn thu cho báo chí.

Tham gia tranh luận, ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) đồng tình với mệnh đề "báo chí cách mạng thì cách mạng phải nuôi" mà Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề cập trước đó, tuy nhiên, ông quan tâm đến cách thức hỗ trợ các cơ quan báo chí như thế nào cho hiệu quả để báo chí có thể "đứng vững trên đôi chân của mình", đặc biệt là làm tốt công tác truyền thông chính sách như một "lối mở" để báo chí tăng nguồn thu...

Xây dựng cơ chế đặc thù để 6 cơ quan báo chí chủ lực tạo thành sức mạnh truyền thông - Ảnh 2.

ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên)

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, báo chí trước đây cách mạng nuôi 100%, tuy nhiên, khi xuất hiện kinh tế thị trường, mình có đất sống là quảng cáo thì có một xu thế là "rời bỏ nguồn ngân sách Nhà nước sang bên kia sống cho thoải mái". Chỉ khi xuất hiện mạng xã hội, bắt đầu mới lại thấy khó khăn.

"Tôi thấy nên đi đều, không nên cực đoan. Thực tế hiện nay, 30% chi tiêu của các cơ quan báo chí là từ ngân sách, 70% tự bươn chải. Nhưng như thế này không đều, có những cơ quan báo chí lớn, ảnh hưởng mạnh truyền thông nước nhà mà không có hỗ trợ của ngân sách, hoàn toàn thị trường. Báo chí mà dựa vào 100% thị trường liệu có là báo chí thị trường không cũng là cái chúng ta nên cân nhắc, quan tâm", Bộ trưởng phân tích.

Ông cho rằng, Nhà nước làm truyền thông thì Nhà nước có chi trả cho các cơ quan báo chí không? Gọi là đặt hàng. Nếu Nhà nước nuôi toàn bộ, từ cơ sở vật chất, lương cho anh em... thì chắc là Nhà nước không phải chi trả tiền này. Nhưng giờ nhiều cơ quan báo chí cơ sở vật chất họ cũng tự, chi thường xuyên họ cũng tự. Thế Nhà nước khi đặt hàng truyền thông phải có ngân sách đi kèm theo là phù hợp.

Nhưng lại cũng có những cơ quan báo chí đến giờ phút này 100% tiền Nhà nước, không tự bươn chải, không bám rễ thị trường. "Tôi nghĩ, cần sửa điều này để "đi hai chân", cả câu chuyện đặt hàng của Nhà nước và câu chuyện "bám chặt chân" vào thị trường, độc giả thì sẽ giữ được báo chí cách mạng", Bộ trưởng nêu quan điểm.

Theo Quyết định 362 của Thủ tướng Chính phủ, 6 cơ quan báo chí chủ lực quốc gia gồm: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước