Cần hình thành các vùng chăn nuôi quy mô lớn, an toàn
Theo số liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa công bố, 8 tháng qua kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi đạt 325 triệu USD, tăng tới 26,1%. Trong bối cảnh xuất khẩu suy giảm, việc tăng trưởng 2 con số của ngành chăn nuôi là một điểm sáng.
Tuy nhiên, nếu nhìn thẳng vào thực tế, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi còn quá khiêm tốn, với quy mô của ngành chăn nuôi đang chiếm tới 27% GDP của toàn ngành nông nghiệp. Đặc biệt các sản phẩm chăn nuôi lợn gần như vắng bóng trong danh mục các sản phẩm xuất khẩu.
Nguyên nhân thực tế này ra sao, khi mỗi năm chúng ta xuất khẩu hàng chục tỷ USD các sản phẩm trồng trọt, thuỷ sản, nhưng nhiều năm nay các sản phẩm chăn nuôi lại chỉ dừng lại ở vài trăm triệu USD.
Cần hình thành các vùng chăn nuôi quy mô lớn, an toàn. Ảnh minh họa.
Theo các chuyên gia, kiểm soát dịch bệnh là một trong những nguyên tắc cốt lõi trong xuất khẩu gia súc, gia cầm và cũng là nội dung được đưa vào đàm phán các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước khác.
Thực tế Việt Nam vẫn chưa hình thành được các vùng an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi lợn đủ lớn và quy mô được thế giới công nhận. Việt Nam hiện có 67 nhà máy chế biến thịt quy mô công nghiệp, sản phẩm giá trị gia tăng cao từ 10 đến 20%.
Tuy nhiên, quy mô chế biến thịt lợn của nước ta mới chỉ ở mức 1,3 triệu tấn/năm, chiếm 20% sản lượng lợn thịt xuất chuồng. Muốn mở rộng thị trường xuất khẩu thịt, cần phải phát triển mạnh các nhà máy chế biến, sản phẩm phải đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế.
Phát triển chuỗi chăn nuôi khép kín, an toàn sinh học
Ngành chăn nuôi mặc dù thời gian qua đã có những bước phát triển khá mạnh mẽ, nhưng còn thiếu khá nhiều điều kiện quan trọng để có thể thúc đẩy xuất khẩu.
Hiện trong nước dưới quy mô của từng doanh nghiệp chăn nuôi đang có những chuyển biến khá rõ rệt, khi hiện nay đã có không ít doanh nghiệp đầu tư hàng triệu USD để hình thành chuỗi chăn nuôi 3F từ khâu thức ăn, trang trại, chế biến sản phẩm cuối cùng.
Công ty CP NN BaF Việt Nam cho biêt với hệ thống 3 nhà máy sản xuất cám chay với công suất khoảng 440 nghìn tấn thức ăn/năm, doanh nghiệp đã chủ động nguồn thức ăn, góp phần ổn định đàn nuôi, đảm bảo chất lượng thịt sản phẩm thịt heo khâu đầu ra.
"Cám chay là cám có sử dụng nguyên liệu 100% nguồn gốc từ đạm thực vật. Hiện tại chúng tôi có sử dụng hơn 50 loại nguyên liệu, trong đó chủ yếu là ngô, khô đậu tương, lúa mì, các thành phần phụ gia, vitamin, khoáng chất…", ông Nguyễn Xuân Hùng - Công ty CP NN BaF Việt Nam cho biết.
Ngoài nguyên liệu như trên, trong cám chay còn có một nguyên liệu đặc biệt nữa đó là các loại thảo dược. Điều này sẽ giúp cho heo tăng trưởng, hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn. Ngoài ra cũng phòng ngừa bệnh tật.
Nguồn cám chay trên cung cấp đủ cho hệ thống 28 trang trại của doanh nghiệp. Một điểm dễ nhận thấy là hệ thống trang trại lớn luôn có vị trí cách xa khu dân cư, đảm bảo an toàn sinh học. Tất cả xe như xuất nhập heo, cấp cám… đều được sát trùng kỹ bên ngoài trại. Người từ bên ngoài vào trại đều được sát trùng và cách ly 2 - 3 ngày.
Thịt lợn sạch phải được sản xuất trong một chuỗi khép kín 3F. Ảnh minh họa.
Tại nhà máy giết mổ ở Thanh Oai, Hà Nội, những chú lợn được đưa về cơ sở giết mổ này cần đảm bảo một vài yếu tố như nuôi từ 23 - 27 tuần, đạt trọng lượng 90 - 120 kg và phải khỏe mạnh, không mắc các bệnh dịch như: Tai xanh, tả lợn châu phi, lở mồm long móng, tụ huyết trùng...
Từ khâu làm mát thì lợn sẽ được đưa vào phòng pha lóc. Các công nhân sẽ đẩy thịt đi, với điều kiện là trong tất cả mọi quy trình thì thịt lợn sẽ không được chạm đất.
Ông Tống Đại Quân - Phó phòng QA/QC, Công ty CP SiBa Food Việt Nam cho biết: "Các quá trình pha lóc, đóng gói và vận chuyển đảm bảo thịt ở nhiệt độ từ 0 - 4 độ C, thịt luôn tươi ngon và giữ trọn dinh dưỡng khi đến tay người tiêu dùng".
Theo các chuyên gia thì thịt lợn sạch phải được sản xuất trong một chuỗi khép kín 3F (FEED - FARM - FOOD) có nghĩa là kiểm soát hoàn toàn từ khâu con giống, nguồn thức ăn, tới trang trại, chăn nuôi, giết mổ, bảo quản, phân phối.
Hình thành trung tâm chăn nuôi an toàn dịch bệnh của cả nước
Doanh nghiệp chăn nuôi được coi vị trí trung tâm trong chuỗi liên kết chăn nuôi lợn hiện nay. Ngoài ra để hình thành được các vùng an toàn dịch bệnh trên quy mô lớn, theo đúng tiêu chuẩn của quốc tế rất cần sự sẵn sàng liên kết của các địa phương.
Theo Kế hoạch quốc gia phát triển ngành chăn nuôi của Chính phủ mới phê duyệt thì đến 2030 các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh là trung tâm chăn nuôi an toàn dịch bệnh của cả nước. Hiện nay tại các địa phương, ngành nông nghiệp đang tiến hành những bước đầu tiên.
Cần xây dựng vùng chăn nuôi an toàn sinh học, thúc đẩy xuất khẩu. Ảnh minh họa.
Theo đại diện của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, họ đã có đề án thực hiện vùng an toàn dịch bệnh đến năm 2025 với lợn xuất khẩu, theo đúng tiêu chuẩn tổ chức thú y quốc tế.
"Bộ đã họp với các tỉnh Đông Nam Bộ tập trung chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt là Tây Ninh và Bình Phước là các tỉnh rất tích cực tham gia, nên chúng tôi khẳng định sẽ làm tốt trong thời gian tới mở rộng quy mô và đảm bảo tiêu chí đáp ứng yêu cầu xuất khẩu", ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.
Việc hình thành vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh chuyên nghiệp, đạt tiêu chuẩn thế giới được các chuyên gia đánh giá sẽ khắc phục được thực trạng chăn nuôi nhỏ nhẻ, manh mún đang tồn tại nhiều năm qua.
Năm 2022 Việt Nam đứng thứ 6 trong số các nước có sản lượng thịt lợn cao nhất thế giới, chiếm 2,5% tổng sản lượng thị lợn toàn cầu. Ngoài phục vụ nhu cầu 100 triệu dân trong nước thì theo các doanh nghiệp tiềm năng xuất khẩu thịt lợn là rất lớn. Việc hình thành trung tâm chăn nuôi an toàn dịch bệnh, có ý nghĩa "sống còn" cho việc biến tiềm năng này thành kim ngạch xuất khẩu hàng năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!