Từ ngày 1/7 tới, 3 tuyến xe bus có trợ giá tại TP.HCM, lộ trình đi qua các đầu mối vận tải, khu chợ, trường học sẽ ngưng hoạt động. Thông tin này vừa được Trung tâm vận tải Hành khách công cộng TP.HCM công bố. Vậy là trong 2 năm qua, TP.HCM đã có đến 10 tuyến xe bus trợ giá phải ngưng hoạt động do thu không đủ bù chi.
Ba tuyến xe bus gồm số 2, 11 và 144 sẽ ngừng khai thác trong vài ngày tới. Đây là các tuyến xe có trợ giá tại TP.HCM, lộ trình kết nối giữa nhiều khu vực như Bến xe Miền Tây tới Bến Thành, Đầm Sen, cùng nhiều khu chợ, trường học...
Dù rằng được trợ giá, lại thường xuyên đông khách nhưng 3 tuyến này cũng buộc phải dừng hoạt động để thay thế bằng những tuyến bus khác có lộ trình tương tự để đảm bảo hoạt động hiệu quả hơn, không bị chồng chéo. Việc đi lại của người dân sẽ không quá ảnh hưởng.
Xe bus TP.HCM đang ở trong thế tiến thoái lưỡng nan khi mà trong 2 năm qua, TP.HCM có tới 10 tuyến xe bus có trợ giá ngưng hoạt động, nguyên nhân do tình hình sản lượng đi xe bus tụt dốc, doanh nghiệp thu không đủ bù chi.
Trợ giá xe bus tăng theo từng năm nhưng lượng hành khách ngày càng èo uột. Đáng nói, từ 2009, TP đã đặt mục tiêu đến năm 2020, vận tải hành khách công cộng đáp ứng khoảng 25% - 30% nhu cầu đi lại của người dân nhưng sau 10 năm chật vật, tỷ lệ này không những không tăng mà còn giảm xuống còn 4,3%. Thế nhưng, nếu bỏ trợ giá, TP.HCM có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất đi loại hình giao thông công cộng chủ lực.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trợ giá nhiều chưa chắc đã mang lại hiệu quả cao. Người dân chưa mặn mà với xe bus không phải vì giá vé cao mà chủ yếu do chất lượng dịch vụ và sự bất tiện. Nên chăng, TP.HCM cần tính tới việc tái cơ cấu xe bus, kêu gọi xã hội hóa để xe bus trở thành mạng lưới hoàn chỉnh, thu hút người dùng hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!