Kiểm toán Nhà nước vừa kết luận 2 cuộc kiểm toán hoạt động liên quan đến hợp phần xe bus nhanh (BRT) tại TP Hà Nội. Đây là dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ODA lên đến 53,3 triệu USD (tương đương 1.160 tỷ đồng thời giá cuối 2015), nhưng dự án không đạt hiệu quả như mong đợi.
Hơn thế còn gây nhiều bức xúc trong dư luận bởi Thanh tra Chính phủ trước đó đã công bố kết quả thanh tra với tổng số tiền sai phạm lên tới trên 43,5 tỷ đồng.
Để vào được nhà chờ và đi bus nhanh BRT, rất nhiều người đã phải băng qua đường bất chấp nguy hiểm từ dòng xe cộ đông đúc.
''Tôi phải đi vòng lên cầu thang rất dài. Nếu như xe bus bình thường đỗ ngay bến bên cạnh thì tôi bước lên rất nhanh, rất là gần'', ông Nguyễn Tất Thắng, người dân quận Đống Đa cho hay.
Phía ngoài làn đường chung, giờ cao điểm ngày nào cũng ùn tắc, chen chúc còn bus BRT chiếm tới 1/3 lòng đường nhưng trong xe chỉ chở rất ít khách dù được thiết kế chở tới 90 người. 2 cuộc kiểm tra của cơ quan Kiểm toán Nhà nước mới đây đã đánh giá trên 3 khía cạnh: tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả thì cả 3 tiêu chí đều có quá nhiều bất cập. Đặc biệt vẫn tiêu tốn ngân sách từ tiền trợ giá 80 tỷ đồng mỗi năm.
Ông Mai Văn Quang, Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán Khu vực 1, Kiểm toán Nhà nước cho biết: ''Hàng năm nhà nước có hỗ trợ cho cái tuyến bus này khoảng 80 tỷ đồng. Tại các giờ cao điểm thì bus nhanh chạy chỉ 15-18km/h và không nhanh hơn bus thường là bao nhiêu''.
''Dự án thất bại, cái mà chúng ta mất đầu tiên là lòng tin của người dân đối với các cơ quan quản lý. Vốn vay là rất lớn mà chúng ta làm thất thoát như thế thì rõ ràng là đất nước vẫn phải gánh chịu'', ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết.
Dự án có nguồn vốn vay ODA lớn, có tác động sâu rộng đến hạ tầng giao thông của TP Hà Nội nhưng lại không được tính toán cẩn trọng về quy hoạch, bên cạnh đó, việc Hà Nội không quyết liệt thúc đẩy phát triển mạng lưới 8 tuyến bus nhanh kết nối đồng bộ cũng khiến tuyến bus nhanh BRT 01 hoạt động lay lắt, không hiệu quả.
Thanh tra Chính phủ cũng đã có kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra sau khi phát hiện có các dấu hiệu sai phạm lên tới trên 43,5 tỷ đồng tại Hợp phần 1 của dự án. Cả nghìn tỷ đồng bỏ ra đầu tư BRT nhằm cải thiện ùn tắc, ô nhiễm; làm nền tảng phát triển hạ tầng giao thông công cộng; thúc đẩy người dân chuyển từ xe cá nhân sang phương tiện công cộng… nhưng những mục tiêu này của BRT đều phá sản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!