Xét nghiệm COVID-19 diện rộng: Vì sao tốn kém vẫn phải làm?

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 21/09/2021 08:37 GMT+7

VTV.vn - Thần tốc xét nghiệm trên diện rộng giúp sớm khoanh vùng, khống chế được dịch bệnh. Kinh nghiệm từ nhiều nước cũng cho thấy biện pháp này giúp nền kinh tế ít tổn thất nhất.

Một trong những biện pháp quan trọng trong đối phó với đại dịch COVID-19 hiện nay là thực hiện xét nghiệm trên diện rộng. Xung quanh vấn đề này có nhiều ý kiến khác nhau như tại sao phải xét nghiệm nhiều như vậy, chi phí cho xét nghiệm lớn, liệu có đáng hay không?

Lấy Hà Nội làm ví dụ. Chỉ trong 1 tuần đã có hơn 4,2 triệu mẫu xét nghiệm được thực hiện, 21 người dương tính với SARS-CoV-2 được phát hiện. Chính số ca bệnh này, tuy ít, đã giúp Hà Nội xác định được tình hình dịch và quyết định mở lại một số dịch vụ, gỡ bỏ các chốt chặn.

Xét nghiệm COVID-19 diện rộng: Vì sao tốn kém vẫn phải làm? - Ảnh 1.

Nhân viên y tế lấy mẫu cho người dân tổ 4, phường Việt Hưng tối 19/9/2021. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Chiến lược phòng, chống dịch dựa trên kết quả xét nghiệm

Một chiến dịch xét nghiệm thần tốc đã được Hà Nội thực hiện trong vòng 1 tuần cả ngày lẫn đêm, với sự hỗ trợ của gần 10.000 nhân viên y tế các bệnh viện trung ương, bộ ngành và 14 địa phương khu vực phía Bắc. Hàng chục nghìn điểm xét nghiệm đã được triển khai, thậm chí đến tận nhà người dân để lấy mẫu.

Dựa trên kết quả xét nghiệm, Hà Nội không chỉ khoanh vùng được các ca bệnh, mà còn đưa ra các chiến lược phòng chống dịch trong thời gian tới, nới lỏng giãn cách xã hội, phục hồi kinh tế. Vì vậy, mặc dù xét nghiệm là tốn kém, thành phố vẫn xác định đây là nhiệm vụ cần làm.

Trong hơn 4,2 triệu mẫu xét nghiệm, Hà Nội phát hiện 21 ca dương tính. Tuy nhiên, đây không chỉ là 21 ca bệnh mà được coi là 21 nguồn lây, thậm chí là các ổ dịch nhỏ lẻ. Nếu không kiểm soát, Hà Nội sẽ có thể tái diễn kịch bản như TP Hồ Chí Minh.

Các tỉnh, thành phía Nam đẩy mạnh xét nghiệm tìm F0

Theo các chuyên gia, việc xét nghiệm là rất cần thiết và quan trọng vì khi ổ dịch chỉ bắt đầu từ vài nguồn lây thì việc xét nghiệm tìm ra F0 để nhanh chóng khoanh vùng sẽ đơn giản hơn. Hiện các tỉnh, thành phố phía Nam đang đẩy mạnh phương pháp này để phát hiện kịp thời F0, khoanh vùng và tiến tới sớm khống chế được tình hình.

Xét nghiệm COVID-19 diện rộng: Vì sao tốn kém vẫn phải làm? - Ảnh 2.

Thực hiện xét nghiệm COVID-19 lưu động tại phường Trà Nóc, quận Bình Thủy. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

350 đội lấy mẫu với gần 2.000 người được huy động cho "Chiến dịch Cần Thơ xanh" - chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm cho người dân toàn thành phố, kéo dài trong 9 ngày. Sau khi test nhanh cho gần 1 triệu lượt người, thành phố đã phát hiện 591 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 ngoài cộng đồng. Yên tâm là tâm lý chung của người dân.

Sau chiến dịch tầm soát cộng đồng, Cần Thơ tiếp tục điều chỉnh kế hoạch xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm và đi đến từng nhà dân. Nhiều địa bàn đã được làm sạch, số ca F0 trong cộng đồng cũng giảm hẳn, trung bình gần đây là 10 ca/ngày.

Xét nghiệm phát hiện sớm F0 trong cộng đồng giúp các tỉnh, thành phố từng bước xác định chính xác vùng đỏ, cam, vàng và xanh, qua đó ra các quyết định nới lỏng giãn cách xã hội hoặc tăng cường bảo vệ thành quả chống dịch.

Trong các cuộc họp về công tác phòng, chống dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh: "Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch. Một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch và nhất là sự mất mát về tinh thần, sức khỏe, tính mạng của người dân và những mất mát khác".

Xác định xét nghiệm thần tốc là yếu tố then chốt, nhằm sớm kiểm soát dịch, Bộ Y tế vừa có công điện gửi các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Công điện quy định rõ tần suất, phương pháp xét nghiệm, dựa theo kết quả mà quyết định việc nới lỏng giãn cách xã hội từng bước, chắc chắn.

Cùng với yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch, Thủ tướng luôn yêu cầu một nhiệm vụ rất quan trọng nữa là phải chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác phòng, chống dịch, trong đó bao hàm việc xét nghiệm phải thần tốc, nhưng hiệu quả cao.

Xét nghiệm đại trà - Giải pháp trọng yếu chống dịch ở Trung Quốc

Hơn 1 năm rưỡi nay, Trung Quốc kiên định với giải pháp xét nghiệm đại trà nhiều lần, mỗi khi có ca bệnh trong cộng đồng. Cùng với phong tỏa chặt khu vực hẹp tại ổ dịch thì biện pháp đại trà đã giúp nước này nhanh chóng dập các ổ dịch. Theo các chuyên gia, chính biện pháp này sẽ giúp cho nền kinh tế ít bị tổn thất nhất bởi dập dịch nhanh và thời gian tái dịch lâu.

Sau hơn 1 năm yên bình, tháng 8 vừa qua, TP Vũ Hán tái bùng phát dịch, với biến chủng Delta. Ngay lập tức, thành phố 11 triệu dân này tiến hành xét nghiệm đại trà, 4 ngày rưỡi đã test xong lần 1 và sau đó tiếp tục xét nghiệm 4 lần nữa.

Chủ trương xét nghiệm toàn thành phố được đưa ra ngay sau khi có 3 ca nhiễm trong cộng đồng. Song song với đó là phong tỏa chặt 46 khu dân cư ngay ổ dịch xung quanh Khu Kinh tế - Công nghệ Vũ Hán.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đưa ra quy trình chống dịch là phong tỏa chặt xung quanh ổ dịch và xét nghiệm rộng khi phát hiện ca bệnh. Mới đây, cơ quan này còn quy định thành phố dưới 5 triệu dân phải hoàn thành xét nghiệm trong 2 ngày; thành phố 5 triệu dân thì hoàn thành trong 3 ngày.

Xét nghiệm COVID-19 diện rộng: Vì sao tốn kém vẫn phải làm? - Ảnh 3.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em tại Phúc Kiến, Trung Quốc, ngày 12/9/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Gần đây, chính quyền tỉnh Phúc Kiến, Giang Tô, Hồ Bắc triển khai Phòng thí nghiệm bơm hơi dã chiến Chim Ưng - Falcon theo sáng chế của các đơn vị ở Quảng Châu. Xây dựng chưa đầy 3 ngày nhưng nơi đây cho kết quả xét nghiệm siêu nhanh, 2 triệu mẫu/ngày.

Tại các bệnh viện Quảng Đông, Hồ Bắc, giá 1 mẫu xét nghiệm đơn là 210.000 đồng/người, mẫu gộp 10 là 53.000 đồng/người. Trung Quốc thường xét nghiệm đại trà theo kiểu lấy mẫu gộp 6, gộp 10. Chỉ lấy mẫu đơn tại ổ dịch nặng.

Giá xét nghiệm đại trà chống dịch thấp hơn nhiều. Nước này càng kiên định với phương pháp thần tốc xét nghiệm đại trà.

Xét nghiệm đại trà nhiều lần đã giúp khoanh vùng lây, đánh giá chính xác mức độ dịch mà có giải pháp phù hợp. Với ổ dịch biến chủng Delta gần đây ở Quảng Châu, Nam Kinh, nước này mất 4-5 tuần để dẹp xong ổ dịch. Mở cửa sớm, thiệt hại kinh tế càng thấp.

Mở cửa sớm, thiệt hại kinh tế càng thấp cũng là chủ trương của các cấp lãnh đạo Việt Nam và mong mỏi của người dân cả nước. Với việc kết hợp một loạt biện pháp như xét nghiệm thần tốc, tiêm vaccine thần tốc, chúng ta đang hướng tới mục tiêu đưa cuộc sống trở lại bình thường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước