Xuất hiện tình trạng bảo kê máy gặt kiểu mới

Nguyễn Sơn-Thứ bảy, ngày 23/09/2023 21:41 GMT+7

VTV.vn - Cứ mỗi khi đến vụ gặt thì tình trạng bảo kê máy gặt lúa lại xuất hiện, gây ra những bức xúc cho người nông dân.

Nếu trước đây tình trạng bảo kê máy gặt thường do các nhóm côn đồ tranh giành địa bàn, áp đặt giá gặt lúa cho người dân, vụ gặt năm nay có một hình thức bảo kê khác, không dùng vũ lực, mà dùng những tấm biển cắm trên các thửa ruộng.

Đi dọc theo những cánh đồng lúa của xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, Hà Nội không khó để bắt gặp những tấm biển được cắm trên các thửa ruộng của người dân. Thửa ruộng nào bị cắm tấm biển này tức là không có bất cứ máy gặt nào được phép đến đây để gặt lúa cho người dân.

Trong khi đó, để có được những thửa ruộng lúa chín vàng, người dân đã mất nhiều công chăm sóc. Việc người dân thuê máy gặt của ai hay giá cả như thế nào là quyền lợi chính đáng của họ, tuy nhiên ở đây thì không.

Là một trong những hộ gia đình bị cắm biển không phục vụ máy gặt. Bà Lộc (xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức) đã liên hệ khắp nơi, nhưng có chủ máy gặt nào dám đưa máy đến ruộng. Con đi làm ăn xa, chồng bị tai biến nằm một chỗ, trong khi lúa đã chín vàng, bà Lộc quyết định tự gặt tay dù vẫn chưa rõ khoản nợ mà hợp tác xã yêu cầu phải đóng là gì.

Xuất hiện tình trạng bảo kê máy gặt kiểu mới - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

"Hợp tác xã bảo là thu khoản này, khoản kia, tôi bảo là thế thì cứ ghi rõ ra cho tôi rồi tôi đóng, mà phải có dấu của xã vào, chứ tự nhiên đưa cho nhà tôi cái giấy mà phải đóng hơn chục triệu, không đóng thì không gặt cho", bà Đinh Thị Lộc chia sẻ.

Đến thời điểm hiện tại, hàng chục giấy mời (thực chất là giấy đòi nợ) đã được phát đi đến các hộ dân trong xã, trong đó ghi rõ nếu không đến nộp sẽ không được gặt lúa. Có hộ nợ vài trăm kg thóc, có hộ nợ lên đến hàng tấn, tương đương với gần 2 chục triệu đồng. Số tiền này được lãnh đạo hợp tác xã Tuy Lai lý giải là tiền cung cấp các dịch vụ phục vụ việc sản xuất nông nghiệp, quy ra thóc với giá trị 7 kg thóc 1 sào, áp dụng cho tất cả các hộ dân trong xã, kết thúc vụ nào thu vụ đó.

Tuy nhiên vấn đề người dân thắc mắc là tất cả các dịch vụ như: cày cấy, gặt hái, phun thuốc trừ sâu, dẫn nước vào ruộng đều được người dân trả tiền trực tiếp cho đơn vị thuê khoán ngay tại ruộng, không qua hợp tác xã. Trong khi đó, số tiền 45.500 đồng/sào (tương ứng với 7 kg thóc) nộp cho hợp tác xã lại không có hợp đồng cung cấp dịch vụ, khi nộp tiền cũng không có phiếu thu.

Những thửa ruộng đã đóng tiền dịch vụ cho hợp tác xã và máy gặt được phép đến gặt. Tuy nhiên chủ máy gặt vẫn phải trích từ số tiền này ra 10.000 đồng/sào nộp lại cho hợp tác xã. Khoảng cắt phế này theo Giám đốc Hợp tác xã là do các chủ máy gặt tự bảo nhau chứ hoàn toàn không có trong hợp đồng.

Tuy nhiên theo anh Đề, một chủ máy gặt đã có nhiều năm hợp đồng gặt lúa cho hợp tác xã Tuy Lai, đây là khoản tiền bắt buộc phải đóng nếu muốn hoạt động tại địa phương này, chứ không có chủ máy gặt nào tự nguyện.

Xã Tuy Lai có hơn 530 ha đất trồng lúa, nếu mỗi vụ máy gặt thu hoạch hết số lúa này thì hợp tác xã sẽ có 5.300.000 đồng tiền "phết phẩy", theo lời của Phó Giám đốc Hợp tác xã. Cùng với số tiền cung cấp dịch vụ nông nghiệp giá 45.500 đồng/sào thì mỗi năm 2 vụ, Hợp tác xã Tuy Lai thu về tới hơn 1,2 tỷ đồng. Người dân chỉ có 2 lựa chọn, một là nộp đủ tiền, hai là để lúa chín rũ trên đồng ruộng mà không có máy gặt thu hoạch. Trong khi đó, chính lãnh đạo hợp tác xã thừa nhận việc thu khoản tiền này có nhiều bước không đúng quy định.

Thực hư chuyện hợp tác xã chặn máy gặt lúa của người dân tại Quảng Bình Thực hư chuyện hợp tác xã chặn máy gặt lúa của người dân tại Quảng Bình

VTV.vn - Theo đoạn clip trên MXH, khi một gia đình thuê máy gặt xuống ruộng gặt lúa thì bị người của HTX ra can ngăn và yêu cầu phải thu hoạch bằng máy gặt mà HTX đã thuê.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước