Hiệp định TPP: Nhiều cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam

Hữu Bằng-Thứ ba, ngày 26/03/2013 15:20 GMT+7

Ảnh minh họa

 Hiệp định TPP sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam hưởng lợi từ xuất khẩu hàng chế tác nhiều hơn, nhập khẩu nhiều hơn hàng tiêu dùng và hàng sản xuất. Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài…

Ngày 26/3, Bộ Công thương phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa kỳ tại Việt Nam tổ chức Hội thảo về ý nghĩa và tác động của Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với kinh tế Việt Nam.

Theo đánh giá tại Hội thảo, kinh tế Việt Nam có thể được hưởng các lợi ích từ TPP như: Xuất khẩu hàng chế tác nhiều hơn, nhập khẩu nhiều hơn hàng tiêu dùng và hàng sản xuất. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ thu hút được nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI, sẽ có quan hệ chặt chẽ hơn với các chuỗi sản xuất quốc tế, hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và thế giới. Đồng thời, các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ có thêm cơ hội để tăng cường đầu tư vào Việt Nam.

Ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam khẳng định: “Đối với một ngành xuất khẩu thì việc hội nhập thật sâu và rộng với các thị trường lớn trên thế giới chắc chắn sẽ có tác động tích cực trong việc tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên cơ hội cũng đi kèm thách thức. Đối với ngành dệt may Việt Nam, một trong những thách thức là việc hình thành các chuỗi cung ứng một cách hoàn chỉnh”.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, với những yêu cầu nghiêm ngặt của Hiệp định này về thương mại, sẽ tạo ra sức ép về mở cửa thị trường, cạnh tranh đối với các doanh nghiệp Việt Nam và có thể gây tác động tới một số ngành và địa phương.

Giáo sư Peter A.Petri, Đại học Brandeis, Hoa Kỳ khuyến cáo: “Một vài ngành hàng của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng như thực thi quyền sở hữu trí tuệ, một số ngành nhỏ trong nông sản cũng vậy. Tuy nhiên, về tổng thể thì Việt Nam và các bên tham gia TPP sẽ nhận được nhiều hơn là bị ảnh hưởng. Chính vì vậy mà mỗi quốc gia cần có chiến lược đàm phán, khung chính sách để được nhiều hơn mất”.

Nếu tham gia TPP, các nước thành viên cũng sẽ phải mở cửa thị trường toàn diện như cắt giảm gần như toàn bộ 100% thuế quan trừ một số mặt hàng đặc biệt, bên cạnh đó là những cam kết nghiêm ngặt liên quan tới lao động, công đoàn, chống tham nhũng, môi trường... Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho ngành sản xuất và các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

Theo dự kiến, cuối năm 2013 các vòng đàm phán sẽ hoàn tất.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước