Có nên bỏ công chứng khi giao dịch quyền sử dụng đất?

Ngọc Dũng - Hoàng Lương-Chủ nhật, ngày 03/02/2013 08:21 GMT+7

(Ảnh minh họa)

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có quy định: Không bắt buộc phải công chứng đối với hợp đồng, giao dịch đất đai. Quy định này đang trở thành vấn đề nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Một số người cho rằng, đây là một bước đột phá trong thực hiện cải cách hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai. Nhiều chuyên gia luật pháp lại lo lắng nếu thiếu công chứng trong hợp đồng mua bán nhà đất, sẽ còn dẫn đến phức tạp hơn hiện nay.

Như nhiều văn phòng công chứng khác, số lượng các giao dịch về nhà, đất đang chiếm tỷ lệ hơn 50% khách hàng tại văn phòng công chứng Nguyễn Tú. Theo dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, việc công chứng các giao dịch đất đai phụ thuộc vào nhu cầu của các bên, có nghĩa là không bắt buộc phải công chứng.

Ông Nguyễn Thanh Phong, số 62 phố Lãn Ông, Hà Nội cho biết: “Tất cả các nước đều có công chứng khi trong giao dịch nhà đất, nếu bỏ công chứng đi thì có nhiều rắc rối nhất là ở Việt Nam, ví như tôi thì việc đặt cọc tiền ai công chứng cho”.

Nếu công chứng “gác cửa”, người dân sẽ phải tự mò mẫm thông tin phòng ngừa rủi ro. Mặc dù cùng có chung mục tiêu bảo đảm tính an toàn pháp lý cho các giao dịch, nhưng công chứng và cán bộ đăng ký giao dịch tài sản có sự khác biệt nhau về chức năng, nhiệm vụ. Nếu thả ra như Dự thảo Luật Đất đai, người dân sẽ mua bán tùy tiện mà không cần cơ quan xác minh tính pháp lý và nguồn gốc đất đai nữa.

Công chứng viên Nguyễn Tú, Trưởng văn phòng công chứng Nguyễn Tú, Hà Nội cho biết: “Công chứng viên thực sự là những chuyên gia về pháp lý và tư vấn, họ phải tìm hiểu nắm bắt ý đồ thật, đích thực của các bên chủ thể tham gia giao kết.

Có nắm được họ mới hiểu được các bên giao kết có nhằm che đậy một giao dịch nào hay không, có gian dối hoặc tạo ra những kẽ hở nhằm làm thiệt hại cho đối tác của mình hay không".

Đa phần ý kiến những người làm luật cho rằng, trong điều kiện ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn chưa cao, hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, khả năng hậu kiểm của quản lý Nhà nước còn phải tiếp tục kiện toàn… thì những hợp đồng, giao dịch liên quan đến đất đai không nên thả cho các bên tự ý quyết định, mà cần được quản lý chặt chẽ.

Luật sư Nguyễn Hữu Biên, Phó giám đốc công ty luật TNHH IMPAC, Hà Nội cho biết: "Vai trò của công chứng là được ví như một thẩm phán phòng ngừa để tham gia vào giao dịch để hạn chế, lọc bỏ các giao dịch không hợp pháp để hạn chế những tranh chấp xảy ra".

"Tôi nghĩ là không đơn giản như vậy. Bởi vì công chứng hay việc đăng ký bất động sản, đăng ký nhà đất liên quan đến cả hệ thống pháp luật dân sự về kinh tế, dân sự về giao dịch và không chỉ sửa 1 - 2 điều của 1 - 2 luật", Bà Đỗ Hoàng Yến, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp cho biết.

Tại phiên họp vừa qua của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Bộ Tư pháp và Ủy ban Pháp luật Quốc hội đều tỏ ra lo ngại về tính rủi ro của giao dịch đất đai, nếu bỏ thủ tục công chứng.

Trong khi đó, Ủy ban kinh tế của Quốc hội lại cho rằng, việc chuyển quyền sử dụng đất bắt buộc phải đăng ký với cơ quan Nhà nước, đồng nghĩa với việc tính pháp lý đã được xác lập. Vì vậy, có công chứng hay không là do các bên tự quyết định.

Tuy nhiên nếu như vậy, sẽ còn tiếp tục xảy ra nhiều tranh chấp, khiếu kiện, thậm chí làm giả hồ sơ để lừa đảo nhà đất trong thời gian tới.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước