PGS-TS Trần Quốc Thắng: Các DN Việt sính "công nghệ" ngoại

VTV News-Thứ bảy, ngày 26/10/2013 13:21 GMT+7

 Đây là câu trả lời của PGS-TS Trần Quang Thắng tại Sự kiện & Bình luận sáng 26/10, khi lý giải một phần lý do tại sao những sáng chế khoa học công nghệ của Việt Nam vẫn gặp khó khăn trên chính thị trường trong nước.

Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2013 dự kiến 5,4-5,5%, thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua. Trong rất nhiều lĩnh vực kinh tế đóng góp vào tăng trưởng GDP, khoa học và công nghệ đang chiếm một tỷ trọng khá thấp. Số lượng thực sự hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ chỉ khoảng 1000 doanh nghiệp. Viện Khoa học công nghệ đang phát động phong trào đổi mới sáng tạo và mục tiêu của phong trào là biến tri thức thành hàng hóa. Mục tiêu này liệu có khả thi và trở thành hiện thực? Đây chính là chủ đề chính trong chương trình Sự kiện & Bình luận ngày 26/10 với khách mời là Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Quốc Thắng – Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ. Ông Quốc Thắng cũng từng là hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa và hiện đang đảm nhận vai trò Giám đốc dự án đổi mới, sáng tạo của Bộ Khoa học - công nghệ.

‘ Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Quốc Thắng tại Sự kiện & Bình luận sáng 26/10. (Ảnh: VTV News)

Mở đầu cuộc trò chuyện, PGS-TS Trần Quốc Thắng cũng thừa nhận những đóng góp của khoa học và công nghệ vào tăng trưởng GDP còn thấp nhưng ông cho rằng, ở một số ngành cụ thể thì ngành khoa học và công nghệ có những đóng góp rất tốt.

“Chính các nhà lãnh đạo cũng từng đánh giá đóng góp của khoa học vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp là 30%” – Ông Trần Quốc Thắng nói.

Trước câu hỏi đã gần 30 năm chuyển đổi sang nền kinh tế hàng hóa, vận hành theo cơ chế thị trường nhưng các nghiên cứu khoa học ứng dụng vẫn chưa trở thành hàng hóa như mong đợi. Những nghiên cứu khoa học này chỉ tồn tại trên giấy và một số khác – nếu biến thành sản phẩm - thì sống khá lay lắt và “khắc khoải bên lề thị trường” dù những chiếc máy này tốt hơn về chất lượng so với máy nhập ngoại. PGS-TS Trần Quốc Thắng lý giải:

“Từ những nghiên cứu đầu tiên, những mẫu đầu tiên trên giấy cho đến khi nó biến thành sản phẩm để sản xuất ra hàng triệu cái máy cung cấp cho toàn đất nước, chiếm lĩnh thị trường và đẩy được những máy nhập ngoại chất lượng kém hơn là cả một quá trình rất phức tạp. Ngoài việc nghiên cứu những bí quyết làm ra cái máy còn rất nhiều nghiên cứu khác mà tôi nghĩ những nhà khoa học của chúng ta chưa nghiên cứu cặn kẽ. Ví dụ như vấn đề thị trường ra làm sao, cung cấp vật liệu cho cái máy như thế nào, vấn đề marketing và cuối cùng vấn đề vốn hay chúng ta sẽ kết hợp với ai để làm? Đây là những vấn đề hết sức quan trọng nhưng tôi cảm tưởng là các nhà khoa học quên nghiên cứu đến những điều này. Không hẳn là quên nhưng họ chưa làm được”.

Ông Thắng cũng khẳng định việc tìm được nhà đầu tư, nhà sản xuất công nghiệp đồng ý mua những sáng chế để sản xuất ra hàng triệu cái máy cung cấp cho thị trường cũng là vấn đề quan trọng không kém. Tuy nhiên, những nhà khoa học của Việt Nam mới chỉ làm được công việc đầu tiên – sáng chế ra những sản phẩm khoa học – và điều này lý giải một phần cho lý do tại sao những nghiên cứu khoa học của Việt Nam có một đời sống khá lay lắt so với những sản phẩm được nhập ngoại.

Tuy nhiên, có một thực tế rằng không bao giờ các nhà khoa học có đủ tiềm lực để đi sâu vào khâu sản xuất và phân phối, chưa nói tới việc họ thường xuyên phải đối mặt với nỗi lo lắng bị các doanh nghiệp nảy sinh ý đồ tước đoạt sáng chế với giá rẻ mạt. Vậy làm thế nào để giải quyết vấn đề này cũng như tạo được niềm tin lẫn nhau giữa nhà khoa học và doanh nghiệp?

“Thực ra những sáng chế của các nhà khoa học chỉ được gọi là hàng hóa khi có một người nào đó mua” – Ông Trần Quang Thắng nói – “Lỗi ở đây cũng một phần thuộc về các nhà khoa học khi họ chưa đủ thuyết phục doanh nghiệp. Các nhà khoa học của chúng ta làm được nhiều nhưng đôi khi nói về mình lại ngại, công tác marketing chưa tốt… Chưa nói đến tâm lý của các nhà doanh nghiệp và đầu tư của Việt Nam là sính ngoại, chưa tin nội”.

Trả lời cho câu hỏi về việc phân bổ đầu tư cho một sản phẩm khoa học chưa cân đối - giành qúa nhiều chi phí cho khâu nghiên cứu nhưng chi phí cho khâu sản xuất và đưa ra thị trường lại hạn chế. PGS-TS Trần Quốc Thắng nói: “Chính phủ đã thông qua và giao cho Bộ khoa học - công nghệ xây dựng Qũy đổi mới công nghệ quốc gia và trong luật khoa học chúng ta có quỹ đầu tư mạo hiểm nhưng hiện nay chúng ta chưa cho ra đời quỹ đó, nhưng chính quỹ này sẽ là nơi hỗ trợ, bà đỡ cho những ý tưởng sáng tạo".

"Qũy đổi mới công nghệ quốc gia đã ra mắt nhưng cơ chế hoạt động của nó vẫn đang được thiết kế để sớm đi vào hoạt động trong thời gian tới. Tôi hy vọng khi quỹ đó đi vào hoạt động sẽ phần nào hỗ trợ được cho các nghiên cứu khoa học”.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước