Không ít những con kênh nằm ngay trong lòng thành phố Đà Nẵng có vô số rác thải bốc mùi hôi thối, trôi trên dòng nước đen kịt… Đơn cử như kênh Phần Lăng thuộc địa bàn quận Thanh Khê, và đoạn kênh chảy ra sông Phú Lộc, trên đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Đà Nẵng. Cuối tháng 1/2013, UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt dự án "Phát triển bền vững TP Đà Nẵng" 2013-2018, trong đó có phần "Cải thiện hệ thống thoát nước mưa và nước thải", song cho đến nay các tuyến kênh trong thành phố vẫn đang bị ô nhiễm trầm trọng. Người dân trong khu vực dù đã nhiều lần phản ánh nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, và hàng ngày phải sống trong nỗi lo ảnh hưởng đến sức khỏe.
Được đưa vào sử dụng từ năm 2000, đến nay hệ thống xử lý nước thải của thành phố Đà Nẵng đã trên 15 năm hoạt động. Với tốc độ phát triển đô thị rất nhanh, hệ thống xử lý nước thải thành phố lúc này đã trở nên quá tải, đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ứ đọng hay nước thải bị xả trực tiếp ra hệ thống kênh mương, sông, biển của thành phố, gây ô nhiễm môi trường. Đà Nẵng cũng đã đôi lần nâng công suất các trạm xử lý nước thải nhưng vẫn không theo kịp thực tế, giống như một cuộc đuổi bắt không có hồi kết.
Xây mới các trung tâm xử lý nước thải, nâng cấp các trạm hiện có cùng hệ thống thu gom nước thải rõ ràng là yêu cầu bức thiết hiện nay. Song điều này đòi hỏi nguồn kinh phí không nhỏ cùng với thời gian thiết kế thi công... Và rồi liệu sau khi nâng cấp thì năng lực xử lý nước thải sẽ đáp ứng được nhu cầu thực tế trong bao lâu, hay chỉ vài tạm ba năm yên ổn rồi cũng bị quá tải? Rõ ràng, để giải bài toán nước thải của Đà Nẵng nói riêng và các đô thị nói chung không chỉ cần những nhà máy, hay trạm xử lý mà nhất thiết phải có dự báo đánh giá nghiêm túc về quy mô phát triển đô thị.