TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Quảng Trị: Người dân hứng chịu ô nhiễm bụi từ bãi trung chuyển thạch cao gần 20 năm

Hồ Chiến, Trọng Hoàng (VTV8)Cập nhật 14:35 ngày 15/04/2018

VTV.vn - Người dân sống ở khu phố Trung Chỉ và Khu phố 2 (phường Đông Lương, thành phố Đông Hà, Quảng Trị) đang phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm môi trường từ bụi thạch cao.

Từ năm 1999, với sự đồng ý của UBND tỉnh Quảng Trị, Chi nhánh Công ty kinh doanh thạch cao xi măng thuê đất để làm văn phòng và kho bãi thạch cao. Mỗi ngày, có hàng chục lượt xe trọng tải lớn vận chuyển, bốc dỡ thạch cao và clinke kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Không chỉ gây ô nhiễm mà còn mất an toàn giao thông tại ngã tư Lý Thường Kiệt giao nhau với đường Lê Duẩn. Hiện tại có khoảng 80 hộ dân sinh sống gần bãi thạch cao này. Mặc dù người dân đã nhiều lần kiến nghị, tuy nhiên đến nay, tình trạng này vẫn chưa được xử lý dứt điểm  .

"Đến mùa gió lào mở cửa ra thì bụi ở sau nó hắt tới nhiều lắm, không thể nào mở cửa ra được. Người nào cũng bị viêm xoang, nói chung 10 người bị xoang cả 10. Trẻ con chỉ ở trong nhà thôi vì bụi quá", bà Ngô Thị Đông - người dân phường Đông Lương, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị bức xúc.

Trước thực trạng ô nhiễm bụi, Chi nhánh Công ty thạch cao xi măng tại Quảng Trị cho biết đã triển khai một số biện pháp xử lý như tăng cường trồng cây xanh, sử dụng hệ thống tưới các điểm xung yếu.. Nếu kéo dài, công ty sẽ có hướng chuyển đổi dần ngành nghề kinh doanh, đảm bảo môi trường.

Được biết tỉnh Quảng Trị đã quy hoạch nơi đây trở thành một trung tâm thương mại và hội nghị triển lãm. Trong các tiêu chí để thành phố Đông Hà đạt đô thị loại II, có một tiêu chí quan trọng là "Hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị thành phố theo hướng hiện đại, có hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, bền vững, thân thiện với môi trường". Liệu rằng, tiêu chí này có thực hiện thành công khi vẫn còn tồn tại các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ngay giữa lòng thành phố?

Nông dân Quảng Ngãi xây dựng thương hiệu nông sản

VTV.vn - Hiện nay, ở nhiều địa phương, nông dân không chỉ dừng lại ở sản xuất nông nghiệp mà chuyển dần sang mô hình kinh tế nông nghiệp.