Những nhân viên cấp dưỡng Trường mầm non Phú Diên, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) người ít thì cũng 5 năm, người nhiều cũng gần 8 năm làm cấp dưỡng cho Trường mầm non Phú Diên (huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế). Gắn bó được lâu dài là điều mừng, nhưng nỗi lo cũng theo đó ngày càng lớn hơn, khi thời gian hết tuổi lao động ngày càng gần mà vẫn không được tham gia BHXH.
Hiệu trưởng nhà trường với tư cách là người ký hợp đồng phải có trách nhiệm đóng BHXH cho người lao động, nhưng trên thực tế thì ngược lại. Họ cho rằng nếu thu 20% bảo hiểm của nhân viên cấp dưỡng thì số tiền nhận hàng tháng còn lại rất ít. Thực trạng này không chỉ ở Trường mầm non Phú Diên, mà là vấn đề của cả 130 nhân viên cấp dưỡng tại 25 trường mầm non trên địa bàn huyện Phú Vang và cũng là vấn đề chung trong hệ thống các trường mầm non khác.
Lý do của vấn đề trên là bởi nhân viên cấp dưỡng hiện nay không được hưởng lương từ ngân sách mà là từ nguồn xã hội hóa giáo dục, nói cách khác là từ nguồn huy động đóng góp của phụ huynh. Theo đó, lương cho cấp dưỡng mỗi trường mỗi khác, trường trả cao nhất là 2,6 triệu đồng/ người/ tháng, trường thấp nhất là 1,6 triệu đồng/người/ tháng- tùy thuộc vào việc huy động được nguồn từ phụ huynh.. Nếu đóng BHXH thì thu nhập của nhân viên cấp dưỡng sẽ còn thấp hơn nữa. Đó là nguyên nhân chính khiến các trường không đóng BHXH cho nhân viên cấp dưỡng của mình.
Tuy nhiên, theo đại diện BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế, dù hợp đồng lao động theo hình thức nào thì người sử dụng lao động cũng phải thực hiện trách nhiệm đóng BHXH cho người lao động. Dù trả lương từ nguồn nào thì cũng phải đảm bảo mức lương tối thiểu vùng mà Chính phủ đã quy định. Cụ thể với huyện Phú Vang, mức lương tối thiểu vùng là 3.090.000 đồng.