Về xã nghèo 4 không...

Bảo Ly-Thứ sáu, ngày 04/04/2014 16:01 GMT+7

 Để đến được xã Hữu Khuông, chỉ có phương tiện duy nhất là thuyền. Sau hơn 3 tiếng đồng hồ lênh đênh trên sông nước mênh mông, nhóm phóng viên Về quê mới vào được đến xã...

Được ví như “ốc đảo” giữa lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, cách trung tâm huyện Tương Dương - Nghệ An 70km. “Ốc đảo” trong lòng hồ thủy điện chỉ còn 7 bản của 3 dân tộc sinh sống Thái, Khmú, HMông. Toàn bộ diện tích của xã đều là đồi núi cao, muốn đến các bản phải đi bộ, cũng là xã độc nhất vô nhị của cả nước hiện nay không có điện lưới, không có sóng điện thoại, không có đường, không có chợ nên từ lâu nhiều người vẫn gọi xã Hữu Khuông, huyện Tương là xã bốn không.

‘Nhà dân trên lòng hồ bản Vẽ

Hữu Khuông được biết đến là xã cỏ tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện, có 554 hộ thì có đến 520 hộ là hộ nghèo, chiếm 93,86% số hộ trên địa bàn. Vì không có đường, không có chợ nên không có giao thương, trao đổi buôn bán, hầu hết bà con chủ yếu tự cung tự cấp. Không có điện nên bà con phải dùng đèn dầu hoặc nhà nào “khấm khá” hơn thì có máy chạy thủy điện nhỏ chỉ đủ thắp sáng một bóng đèn compac, nước sinh hoạt cũng phụ thuộc vào nguồn khe suối chảy về.

Toàn xã có 7 thôn bản phân bố không đồng đều, bản này cách bản kia từ 4-7km, có những bản từ trung tâm xã đến bản phải đi bộ mất nửa ngày trời. Thông tin liên lạc giữa cơ quan đến các thôn bản không có nên mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng chậm được triển khai.

‘ Phóng viên Về quê mất hơn 3 tiếng đồng hồ mới vào tới bản


Thuỷ điện Bản Vẽ là nơi ngăn cách Hữu Khuông với thế giới bên ngoài. Phương tiện duy nhất để đưa người và các nhu yếu phẩm vào xã là những chiếc đò. Rời bến đò ít phút, toàn bộ các thiết bị thông tin liên lạc của chúng tôi đã mất sóng hoàn toàn và phải mất tới hai giờ đồng hồ chúng tôi mới vào tới xã Hữu Khuông. Tình cờ gặp gỡ hai cô giáo của trường Tiểu học Hữu Khuôn, chúng tôi mới biết từ trung tâm xã ở đây, các cô còn phải đi bộ 4h đồng hồ nữa mới tới được trường. Cuộc sống rất khó khăn, gạo muối, thức ăn các cô đều phải mang từ nhà lên.

Nơi sinh hoạt và làm việc của các cán bộ trong xã cũng không khác gì những người dân trong bản nghèo này. Thông tin đến được với xã chỉ có những trang báo, nhưng có nhanh thì cũng sau cả tuần.

‘ Cuộc sống khó khăn của học sinh trường dân tộc bán trú Hữu Khuông

Đặc biệt, cơ sở hạ tầng, trường học của 3 bậc học mầm non, tiểu học, trung học sơ sở còn rất nhiều khó khăn. Hiện nay gần 170 học sinh bậc THCS của xã đang phải ăn ở, sinh hoạt tại 34 lều tranh vách nứa tạm bợ. Mùa đông đến, những túp lều nhỏ bé này chắc chẳng thể ngăn nổi những cơn gió rét buốt của núi rừng.

Chúng tôi đến là ngày đầu tuần nên có gặp một số gia đình trong đó có ông Lô Xuân Diệu gùi gạo muối cho cậu con trai chiếc áo ấm. Thầy giáo Trần Trọng Nghĩa, Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Hữu Khuông cho biết: "Do điều kiện đường xá không có, các em lại ở xa nên gần như 100% các em đều ở bán trú, cuộc sống thực sự rất vất vả. Toàn bộ khu nhà đều là tranh tre nứa lá do cha mẹ các em dựng lên để ở tạm lúc đi học…Cuộc sống của các giáo viên cắm bản phần lớn là “tự cung, tự cấp”. Còn các nhu yếu phẩm khác được mang từ thị trấn vượt lòng hồ thủy điện Bản Vẽ đi vào. Thật khó hình dung những vất và mà các thầy cô giáo đang từng ngày phải đối diện. Và sứ mệnh “cõng chữ” lên vùng cao của họ vì thế cũng gập ghềnh như những con đường này."

‘ Người dân Hữu Khuông đang cần hỗ trợ để thoát khỏi tình trạng mù thông tin

Từ khi có chương trình 30a, xã Hữu Khuông đã bước đầu tập trung xây dựng kế hoạch và triển khai một số chương trình như: Khai hoang ruộng nước, mở rộng diện tích ao cá, tập trung chỉ đạo trồng rừng, trồng cỏ...

Tuy nhiên, để giải quyết được những vấn đề khó khăn, Hữu Khuông rất cần có một chiến lược lâu dài; Người dân Hữu Luông đang rất cần sự chung tay hỗ trợ, giúp đỡ từ các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội giúp cho cuộc sống của bà con nơi đây sớm thoát khỏi tình trạng mù thông tin liên lạc.


TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước