Đề xuất xây dựng ga ngầm đường sắt ở khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội luôn được sự quan tâm rất lớn của người dân. Theo dự kiến, ga C9 tuyến đường sắt số 2 này sẽ được đặt ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng, cạnh vườn hoa trước cổng Tổng công ty Điện lực Hà Nội.
Việc đặt ga ngầm ở vị trí này được xem là phù hợp với các quy hoạch được duyệt và đã được hình thành, phát triển, nghiên cứu trong giai đoạn từ năm 2004 đến nay, thể hiện tính thống nhất, quá trình xuyên suốt có tính kế thừa đối với các quy hoạch. Đến nay, quy hoạch tổng mặt bằng ga C9 vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo người dân và các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ các công trình di tích lịch sử.
Ban quản lý dự án đường sắt đô thị cho biết, Hoàn Kiếm được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, nên năm 2013 đơn vị đã lấy ý kiến nhiều cơ quan liên quan từ trung ương đến Hà Nội. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã 4 lần có ý kiến góp ý về hướng tuyến, vị trí ga và cơ bản thống nhất về vị trí đặt ga, các công trình phụ trợ. Tuy nhiên, Bộ vẫn yêu cầu TP Hà Nội xem xét để không ảnh hưởng đến các hạng mục và cảnh quan di tích. Tiếp thu ý kiến các nhà khoa học, vị trí ga ngầm C9 đã được điều chỉnh, dịch chuyển gần 20m về phía phố Hàng Bài để giảm ảnh hưởng đến đền Bà Kiệu và Tháp Bút.
Tiến sĩ Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông đô thị, người đã trực tiếp làm việc với chủ đầu tư và được tư vấn giới thiệu về những biện pháp mới thi công, tin tưởng rằng, quá trình thi công công trình sẽ bảo đảm an toàn kiến trúc các công trình lịch sử xung quanh.
Về lo ngại quá trình thi công nhà ga sẽ ảnh hưởng cảnh quan, môi trường, làm sụt lún các di tích..., đại diện chủ đầu tư cho biết, quá trình thi công ga ngầm C9 và hệ thống hầm đường ray tuyến đường sắt đô thị số 2 được áp dụng những công nghệ hiện đại nhất của thế giới. Tuyến hầm được thiết kế nằm ở độ sâu phù hợp, lớp đất phủ bên trên dày ít nhất khoảng 12m, vì vậy không ảnh hưởng đến các công trình nhà cửa bên trên và lân cận tuyến hầm.
Việc xây dựng ga ngầm C9 và tuyến hầm tại khu vực Hồ Gươm không phá hỏng cảnh quan môi trường khu di tích, cũng như không đánh đổi Hồ Gươm lấy phát triển hệ thống giao thông công cộng. Đây là một sự chuyển đổi theo hướng phát triển với hình thức giao thông công cộng văn minh, hiện đại hơn góp phần giảm ách tắc, tai nạn giao thông, cải thiện môi trường, cảnh quan, góp phần khai thác và phát huy giá trị của di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh hồ Gươm.
Sự thận trọng để bảo đảm hài hòa phát triển đô thị với bảo tồn di sản là cần thiết, tuy nhiên, với quá trình nghiên cứu hết sức cẩn trọng, kỹ lưỡng, bảo đảm tuân thủ pháp luật về di sản văn hóa mà TP Hà Nội đã thực hiện trong nhiều năm qua. Việc bố trí nhà ga ngầm C9 như phương án nêu trên là tối ưu trong điều kiện cụ thể tại khu vực này, góp phần tạo dựng bộ mặt giao thông đô thị của Hà Nội trong tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!