Ngày 20/10, Giám đốc Phúc lợi động vật, Tổ chức Động vật châu Á đã có thư gửi lãnh đạo TP Hải Phòng, quận Đồ Sơn để tiếp tục bày tỏ lo ngại trước việc sử dụng động vật tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.
Thư viết: "Việc chứng kiến động vật chọi nhau và sau đó chúng bị giết để lấy thịt bán ngay bên ngoài đấu trường sân vận động có thể khiến con người ngày càng trở nên vô cảm trước những hành vi bạo lực, đặc biệt là với trẻ em khi tâm lý và nhận thức còn chưa đủ vững vàng và dễ bị tổn thương. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người chứng kiến hoặc thực hiện hành vi bạo hành động vật sẽ có xu hướng bạo lực với những cá nhân khác trong cộng đồng của mình".
Theo các nhà văn hóa, hội chọi trâu Đồ Sơn có lịch sử gần 1.000 năm, một sự giao thoa giữa văn hóa nông nghiệp với văn hóa cư dân ven biển để tưởng nhớ công ơn các vị thần, cầu cho "nhân khang vật thịnh". Lễ hội này gắn với tục thờ cúng thủy thần với nghi lễ chọi và hiến sinh trâu.
Trong gần 30 năm khôi phục chọi trâu Đồ Sơn, đã có thêm gần 10 cuộc chọi trâu khác ra đời tại nhiều tỉnh thành vốn không có lễ hội chọi trâu truyền thống từ Hà Nội, Bắc Ninh, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang đến Bình Phước nhằm khuyến khích nông dân sản xuất, chăn nuôi trâu giỏi. Tuy nhiên, một điều phản cảm đó là ngay bên ngoài, nhiều sới chọi, trâu bị giết mổ công khai để bán với giá trên trời. Thậm chí cả cá độ, một hình thức đánh bạc trái pháp luật.
Một số người dân đã bày tỏ quan điểm nên chất dứt lễ hội chọi trâu vì "Người nuôi trâu làm cho trâu chọi ngày càng hung dữ hơn, càng ác hơn để chiến thắng trong đó có cá độ"; "Đừng lấy động vật ra để mua vui và để làm kinh tế cho cá nhân của mình" hay "Bán thịt trâu chọi với giá cắt cổ 5 - 7 triệu/kg , trong khi có phải thịt trâu chọi đâu?"...
Thế nhưng, nhiều quan điểm khác lại ủng hộ việc tiếp tục lễ hội này. Theo TS. Đinh Đức Tiến - Bộ môn Văn hóa và lịch sử, ĐH Quốc gia Hà Nội: "Không nên bỏ lễ hội này vội vàng như thế vì đây là lễ hội đã có từ lâu đời của người dân Đồ Sơn".
TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian cũng cho rằng, không có lý gì mà không cho phép chọi trâu cũng như yếu tố thương mại trong đó. Trong cơ chế thị trường càng phải để cho yếu tố thương mại đó tồn tại.
GS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật quốc gia cho rằng: "Tôi ủng hộ tiếp tục lễ hội chọi trâu, tuy nhiên duy trì như cũ thì không được. Những giải pháp như xây tường rào chắc chắn hơn cũng chỉ là giải pháp tình thế. Còn giải pháp chiến lược phải xây dựng mô hình đổi mới tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn".
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!