Có nên thu tiền bản quyền âm nhạc tại quán cà phê?

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 02/07/2017 17:02 GMT+7

VTV.vn - Đó là chủ đề mục "Ý bạn thế nào" trong chương trình "90 phút để hiểu" tuần này, cũng là câu chuyện có nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận gần đây.

Giá thành của ly cà phê nhiều khi không chỉ có phí của nguyên liệu làm ra cà phê, mà còn có phí của chỗ ngồi, dịch vụ… Mới đây, người ta còn nói tới một loại phí mới nữa là phí tác quyền âm nhạc cho những bản nhạc được bật lên phục vụ thực khách. Phí này do Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam yêu cầu tất cả các quán cà phê chi trả, để bảo vệ quyền lợi của nhạc sỹ. Tất nhiên, trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, việc phải trả thêm một khoản phí nữa, dù ít hay nhiều cũng là điều không dễ chịu với các quán kinh doanh cà phê.

Thực tế, việc thu phí này đã tiến hành được 4 năm, doanh thu hàng năm khoảng 3 tỷ đồng tại hàng trăm quán cà phê. Doanh thu từ khoản này cũng chiếm kha khá trong tổng số phí thu được hàng năm của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.

Có nên thu tiền bản quyền âm nhạc tại quán cà phê? - Ảnh 1.

Theo biểu đồ trên đây, phí tác quyền âm nhạc tại quán cà phê, nhà hàng, quán rượu đã chiếm 13% tổng tiền thu được. Giờ đây, câu chuyện phí tác quyền âm nhạc này trở nên "nóng" hơn khi có các ý kiến đặt lại vấn đề: Việc thu phí này đã hợp lý, hợp tình hay chưa? Hiện vẫn có nhiều ý kiến trái chiều nhau về việc thu phí này.

Trao đổi trong chương trình 90 phút để hiểu, Tiến sĩ, Luật sư Lê Xuân Thảo - Giám đốc Công ty Luật sở hữu trí tuệ quốc tế T&T Invenmark cho biết: "Việc thu phí là hoàn toàn đúng, nhưng mức thu như thế nào lại là chuyện phải bàn".

Trong khi đó, nhạc sỹ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (đơn vị đề xuất và tiến hành việc thu phí âm nhạc tại quán cà phê), khẳng định rằng việc đưa ra mức phí được thực hiện hết sức thận trọng và nghiêm túc.

"Mức phí được xây dựng dựa trên những văn bản quy định đã có, tham khảo các quốc gia khác...; có ý kiến chấp thuận của Bộ VH-TT&DL" - nhạc sỹ Phó Đức Phương nhấn mạnh.

Có nên thu tiền bản quyền âm nhạc tại quán cà phê? - Ảnh 2.

Luật sư Lê Xuân Thảo (trái) và nhạc sỹ Phó Đức Phương (phải) trong chương trình 90 phút để hiểu.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa là VH-TT&DL cũng còn băn khoăn, chưa đồng tình về việc thu phí này. Ông Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, Cục trưởng Cục biểu diễn nghệ thuật - đặt câu hỏi: Vào quán cà phê, làm sao biết được thực khách có nghe hay không? Việc này hoàn toàn khác với người ta mua vé vào xem buổi biểu diễn, khác với vào sàn nhảy phải có nhạc mới nhảy được hay vào quán karaoke phải có nhạc mới hát được... Và khi đã nghe, bài nào tác giả đã ủy quyền thu phí tác quyền, bài nào không?

"Vì thế, việc này phải được làm rõ để bảo vệ quyền lợi không chỉ của tác giả mà còn của công chúng, bảo vệ quyền lợi hoạt động bình thường của doanh nghiệp" - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên nhấn mạnh.

Mức phí hiện được Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam quy định như sau:

Mức nhuận bút tác phẩm được tính theo năm đối với nhà hàng, quán cà phê - giải khát. Trường hợp cơ sở có từ 1 - 30 chỗ ngồi, nếu sử dụng nhạc nền sẽ phải trả 2,5 triệu đồng/năm. Nếu sử dụng nhạc nền và nhạc sống sẽ phải trả 4,5 triệu đồng/năm. Với mỗi chỗ ngồi tăng thêm, cơ sở sẽ phải trả lần lượt là 70.000 đồng và 130.000 đồng/chỗ ngồi/năm…

Đây là mức giá áp dụng cho Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, còn các thành phố khác sẽ thấp hơn. Cụ thể, thành phố loại 1 áp 80% mức giá này, thành phố loại 2 là 60% và loại 3 là 40% mức giá này. Như vậy, một quán cà phê ở bất kỳ đâu cũng phải nộp tối thiểu khoảng 1 triệu đồng/năm tiền phí tác quyền.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước