Đề xuất xây dựng ga ngầm đường sắt ở khu vực bờ Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội luôn được sự quan tâm rất lớn không chỉ của cư dân Hà Nội mà cả người dân trên cả nước. Theo dự kiến, ga C9 tuyến đường sắt số 2 này sẽ được đặt ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng, cạnh vườn hoa trước cổng Tổng Công ty Điện lực Hà Nội.
Việc đặt ga ngầm ở vị trí này được xem là phù hợp với các quy hoạch được duyệt và đã được hình thành, phát triển nghiên cứu trong giai đoạn dài từ năm 2004 đến nay, thể hiện tính thống nhất, quá trình xuyên suốt có tính kế thừa đối với các quy hoạch. Đến nay, quy hoạch tổng mặt bằng ga C9 vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo người dân và các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ những công trình di tích lịch sử.
Phát triển giao thông đô thị là điều cần thiết của đô thị văn minh. Tuy nhiên, song song với đó cũng cần bảo tồn những di sản đô thị lâu đời, phát huy văn hóa truyền thống, không nên vì sự phát triển kinh tế xã hội mà đẩy rủi ro cho phát triển văn hóa. Trong khi quỹ đất dành cho việc xây dựng hạ tầng ngày càng bị thu hẹp, việc tận dụng khoảng không gian ngầm được cho là giải pháp hữu hiệu. Đây cũng là xu thế của nhiều thành phố lớn khi giải quyết bài toán cho phát triển đô thị. Đối với một đô thị hiện đại, hệ thống hạ tầng ngầm phải chiếm ít nhất từ 25 - 30% số lượng các công trình, còn tại một số quốc gia phát triển chiếm tới 60 - 70%.
Trên thực tế, việc khai thác không gian ngầm ở Hà Nội cũng như trên cả nước chưa được quan tâm đúng mức. Những công trình ngầm chưa có sự kết nối với nhau giữa các dự án, nhà đầu tư vẫn theo xu hướng "mạnh ai nấy làm". Diện tích không gian ngầm dưới lòng đất gần như đang bị bỏ trống. Hiện nay, cơ chế, chính sách về phát triển hạ tầng ngầm chưa được rõ ràng nên nhà đầu tư vẫn chưa thực sự quan tâm. Bên cạnh đó, việc phát triển hệ thống giao thông ngầm đòi hỏi phải có nguồn tài chính lớn, đây cũng là rào cản trong việc đầu tư phát triển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!