Xe bus là phương tiện giao thông công cộng khá quen thuộc với nhiều người, ở mọi lứa tuổi, đặc biệt trong đó có rất nhiều bạn trẻ là sinh viên. Tuy nhiên, với những người lần đầu đi xe bus sẽ có nhiều bỡ ngỡ. Tuy nhiên, giờ đây với một ứng dụng trên điện thoại thông minh, người dân đã được hưởng nhiều tiện lợi hơn từ giải pháp "số hóa xe bus".
Rất đơn giản, chỉ cần mở điện thoại, mọi người có thể biết bao nhiêu thời gian nữa xe bus sẽ tới. "Số hóa quản lý xe bus" đang đem lại nhiều tiện ích cho người dân và đơn vị vận hành loại phương tiện này.
Theo đó, người dân chỉ cần nhập địa chỉ nơi đi, nơi đến, ngay lập tức ứng dụng sẽ cho biết trạm xe và số xe bạn cần đón. Được phát triển bởi sinh viên Đại học Tự nhiên TP.HCM, Busmap được đánh giá là khá hiểu thói quen người dùng, nhất là giới sinh viên.
Với khả năng cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin cần thiết, Busmap đã nhanh chóng thu hút rất nhiều sinh viên tại TP.HCM sử dụng. Ứng dụng này hứa hẹn sẽ là công cụ tiện ích nhất từ trước tới nay dành cho người đi xe bus.
Ứng dụng Busmap vận hành được là nhờ sử dụng cơ sở dữ liệu từ Trung tâm điều hành trực tuyến xe bus TP.HCM. Đây là hệ thống thông minh đang giúp quản lý, giám sát và điều hành toàn bộ 141 tuyến xe bus của thành phố.
Thông qua các tín hiệu gửi về từ GPS, camera, rơ le cảm biến trên mỗi chiếc xe, hệ thống có thể kịp thời thông báo các vi phạm của một chiếc xe bus bất kỳ, như: chạy sai lộ trình, dừng đỗ quá lâu, đóng, mở cửa xe không an toàn, máy lạnh hoạt động không ổn định. Qua camera, thái độ, hành động của các nhân viên phục vụ hành khách trên xe bus cũng được giám sát và nhắc nhở. Ngoài ra, trung tâm còn có tổng đài 1022 để tiếp nhận điện thoại phản ánh của hành khách.
Hiện tại TP.HCM là đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa 100% hoạt động quản lý xe bus rất hiệu quả. Ngoài Busmap, tiếp tục còn nhiều ứng dụng khác được nghiên cứu để giúp người dân biết được những thông tin thuận lợi nhất khi đi xe bus, ví dụ như ứng dụng ibus do FPT IS nghiên cứu.
Ngoài TP.HCM, các thành phố lớn khác như Hà Nội cũng đang thực hiện thí điểm triển khai ứng dụng khoa học, công nghệ hỗ trợ và quản lý kết nối hoạt động vận tải hành khách. Dự kiến năm 2018, các ứng dụng dành cho người dân khi đi xe bus sẽ được ứng dụng tại Hà Nội.
Tại diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam 2017 vừa diễn ra cách đây ít ngày, có rất nhiều sản phẩm công nghệ mới được trưng bày thuộc lĩnh vực giao thông thông minh. Trong lĩnh vực này, các diễn giả cũng tập trung bàn thảo về số hóa quản lý các phương tiện giao thông công cộng tại Việt Nam.
Theo các diễn giả, Việt Nam là nước gần 100 triệu dân. Tình trạng kẹt xe ở các thành phố lớn diễn ra hàng ngày, đầu tư mở rộng hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn. Đây chính là các cơ hội để ứng dụng rộng rãi và phát triển hiệu quả các giải pháp giao thông thông minh tại Việt Nam trong tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!