Ngày 13/10, một học sinh tại trường THPT Nguyễn Trãi, thành phố Thanh Hóa đã sử dụng điện thoại di động trong giờ học. Cô giáo bộ môn đã phát hiện, tịch thu và sau đó giao lại cho cô giáo chủ nhiệm. Hôm sau, cô giáo chủ nhiệm phát hiện các em này nói xấu thầy cô và nhà trường trên Facebook. Nhà trường đã họp Hội đồng kỷ luật và đưa ra quyết định kỷ luật học sinh. Theo đó, có 3 học sinh bị đuổi học 1 năm, 4 học sinh bị đuổi học 1 tuần và 1 em bị cảnh cáo trước toàn trường. Ngày 1/11, trường THPT Nguyễn Trãi đã thu hồi quyết định này theo chỉ đạo của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa.
Sự việc đã khiến cha mẹ, học sinh, các thầy cô và Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa khá đau đầu để giải quyết. Ở góc độ nào đó, mạng xã hội cung cấp cho người dùng nhiều tiện ích nhưng cũng đem lại những hệ lụy không mong đợi một cách hữu ý hoặc vô tình.
Trên diễn đàn Quốc hội trong tuần qua, một lần nữa vấn đề mạng xã hội, sự tác động hay những ảnh hưởng của nó trong cuộc sống đã được nhắc tới ngay trong lần đầu trả lời chất vấn tại Quốc hội của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông vào ngày 31/10.
Cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có cuộc gặp với các "hacker mũ trắng", những người được hiểu một cách nôm na là đứng về phía những điều thiện, điều tốt đẹp. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã khẳng định, giống như sức mạnh quân sự trong thế giới thật, một đất nước muốn phát triển, lớn mạnh cần phải có sức mạnh bảo vệ mình trên mạng xã hội.
Như vậy, đến lúc này, rõ ràng mạng xã hội có thể tồn tại trên không gian ảo nhưng tác động của nó là thật. Việc xây dựng, góp phần khuyến khích điều tốt, tích cực trong thế giới ảo này đã trở thành nhiệm vụ của tất cả chúng ta.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!