Gần 60.000 tỷ đồng và 400 ha đất là số thiệt hại do tham nhũng gây ra trong 10 năm qua theo Báo cáo của Chính phủ; nhưng số thu hồi chỉ là gần 4.700 tỷ đồng và 219 ha đất (tức là chỉ đạt khoảng trên dưới 10%). Khó khăn này do nhiều nguyên nhân song có nguyên nhân quan trọng là do pháp luật chưa có cơ chế để xử lý đối với "tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp".
Thực tiễn vừa qua, với những trường hợp kê khai tài sản không đúng thì chỉ có thể áp hình thức kỷ luật đối với chính người kê khai như khiển trách, cảnh cáo, thậm chí là cách chức, chứ không thể đụng vào khối tài sản không giải trình được của họ. Muốn xử lý, tịch thu khối tài sản này, phải thông qua một vụ án hình sự và cuối cùng là sự phán quyết của tòa án. Và khi đó, sẽ rất khó khăn, bởi nhiều vụ án hầu như không còn tài sản để thi hành án.
Lỗ hổng này đã đặt ra sức ép phải hoàn thiện hành lang pháp lý và lần đầu tiên trong quá trình xây dựng Luật phòng chống tham nhũng, vấn đề "xử lý khối tài sản không giải trình được" đã được đặt lên bàn Ủy ban Thường vụ Quốc hội cách đây 3 tuần và tới đây là Quốc hội vào kỳ họp tháng sau.
Trong đó, đáng chú ý là đề xuất của Thanh tra Chính phủ về phương án xử lý tài sản không giải trình được với 2 phương án thu là thu qua thuế thu nhập cá nhân hoặc xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị tài sản.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!