Sử dụng thẻ, dùng điện thoại hay thanh toán thông qua mã QR đang là những loại hình thanh toán hiện đại giúp cho mục tiêu đến năm 2020 tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán tại Việt Nam sẽ xuống dưới 10%.
Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam hiện đang khá lộn xộn trong việc xây dựng chuẩn công nghệ cho loại hình thanh toán điện tử. Điển hình như việc thanh toán thông qua mã QR, hiện các ngân hàng, trung gian thanh toán và cả các đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ đều đang xây dựng cho mình mỗi nơi một chuẩn công nghệ riêng, không thể liên thông với nhau.
Điều này khiến cho người dùng, doanh nghiệp và chính đơn vị vận hành gặp nhiều khó khăn, bất tiện và tốn kém.
Cách đây gần 14 năm, trước tình trạng mỗi ngân hàng đầu tư một công nghệ thẻ và không thể kết nối với nhau, Ngân hàng Nhà nước đã phải cho ra đời Công ty Chuyển mạch Tài chính Quốc gia Việt Nam, sau đổi tên thành Công ty Thanh toán Quốc gia Việt Nam (gọi tắt là NAPAS) để cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử, qua đó hình thành ra một hệ thống kết nối liên thông mạng lưới các máy ATM, máy POS, thẻ của các ngân hàng trong nước và quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam.
Hiện nay, trước thực trạng mỗi ngân hàng xây dựng một chuẩn mã QR khác nhau, chính NAPAS vừa được NHNN chỉ đạo xây dựng một hạ tầng để đảm bảo kết nối các ngân hàng, các trung gian thanh toán, các tổ chức thanh toán quốc tế cũng như các tổ chức thẻ quốc tế để đảm bảo làm sao cho các dịch vụ thanh toán QR Code có thể được chấp nhận đồng bộ và liên thông ở trong lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, những việc làm này chủ yếu là chạy theo xử lý các vụ việc đã xảy ra. Do vậy, đã đến lúc cần có cách làm dài hơi hơn như sớm triển khai hạ tầng số hóa thanh toán để sẵn sàng đáp ứng cho xu hướng về thanh toán số, xu hướng về ngân hàng số, qua đó tạo lập một chuẩn chung cho thanh toán điện tử.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!