Nghệ sỹ ghita Văn Vượng - Người vẽ cuộc sống bằng âm thanh

Văn Quân -Thứ hai, ngày 11/11/2013 20:52 GMT+7

 Người nghệ sỹ khiếm thị ấy đã từng được Đài THVN tôn vinh là một trong 100 nhân vật nổi tiếng ở Việt Nam. Năm 2012, ông cũng vinh dự là người được nhận giải thưởng Giải thưởng lớn - Vì tình yêu Hà Nội.

‘ Nghệ sỹ Văn Vượng

Biến cố thưở ấu thơ

Văn Vượng sinh ra ở Hải Dương nhưng lại lập thân lập nghiệp ở mảnh đất ngàn năm văn hiến. Cuộc đời ông, cơ bản là buồn, cũng như tiếng ghi ta rơi chầm chầm trong mỗi bản nhạc quen thuộc ông hay chơi. Văn Vượng bảo, khi sinh ra, ông khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác nhưng biến cố cuộc đời đã đến khi ông trong bốn tuổi.

"Tôi bị đậu mùa nhưng vì chữa chạy không kịp nên biến chứng lên mắt. Khi tôi kêu đau, mẹ tôi đã vét số tiền cuối cùng trong nhà để đưa tôi lên Hà Nội chữa chạy. Bác sỹ bảo màng mắt còn mỏng quá, ba ngày sau mới mổ được. Nhưng sang ngày hôm sau, đúng ngày toàn quốc kháng chiến và dù gì, mạng sống còn quý hơn đôi mắt nên giữa cảnh loạn lạc đạn bom ấy, mẹ tôi đã bỏ tôi vào thúng, chạy lên vùng sơ tán để đánh đạn của kẻ thù. Và cuộc đời của tôi cũng gắn liền với bóng đêm từ những ngày dữ dội ấy."

Văn Vượng bảo, cuộc đời khi phải học cách quên, nhưng với ông, những ngày buồn của tuổi lên năm lên mười với đôi mắt tật nguyền thì như những dòng nhật ký ông không thể nào quên được. Ngày nào, cậu bé Văn Vượng cũng ra cây vối sau nhà lặng lẽ khóc một mình. Bạn bè cùng lứa đến chơi, cậu bảo mọi người hãy về hết, cứ để mình cậu độc thoại với nỗi buồn trong câm lặng. Lên 8 tuổi, một lần đi trên thềm nhà, cậu bé Vượng đã vấp phải một chiếc âu đựng trầu bằng đồng. Cú trượt chân làm chiếc âu phát lên tiếng kêu và một suy nghĩ cũng lóera trong đầu cậu bé. Vượng đã nhặt chiếc au đó và tìm một thanh sắt, dũa nhọn thành hình một chiếc khoan và hì hục khoan đục.

Một tuần sau, dụng cụ âm nhạc đầu tay của cậu bé đã ra đời. Với những sợi dây chun xỏ qua chiếc âu đồng phát ra những âm thanh, không ai có thể ngờ, một tháng sau Văn Vượng đã có thể đánh được những bài hát như Du kích sông Thao, Ngày mùa... "Năm 14 tuổi một cơ duyên đã đến khi tôi gặp được người thầy của mình. Ông cũng là một người khiếm thị và chơi đàn rất hay. Đó cũng là người hướng dẫn những nốt nhạc, những kiến thức nhạc lý đầu tiên để tôi tìm ra một hướng đi mới cho cuộc đời mình sau này."

Chỉ sau ba buổi dạy, Văn Vượng đã học thành thục những khái niệm về nhạc nổi và chữ nổi. Đó mới là dấu mốc đánh dấu ngày Văn Vượng đến với âm nhạc một cách cơ bản và có giáo trình. Học ghi ta đối với người sáng mắt đã khó, đối với người không nhìn thấy ánh sáng còn khó khăn hơn rất nhiều lần. Cách học của Văn Vượng là cách học của sự cảm nhận và cảm thụ. Hay nói cách khác, khi trình diễn, yếu tố cảm xúc được Văn Vượng lồng vào một cách đậm nét. Điều này tạo cho tác phẩm thực sự có hồn. Cũng là phong cách riêng của ông.

‘ Cùng cố nhạc sỹ Văn Cao

Một đời gắn bó cùng Hà Nội

Cũng ít ai ngờ, trong hoàn cảnh khó khăn thời ấy, bản thân lại bị khiếm thị nhưng năm 16 tuổi, Văn Vượng đã có sáng tác đầu tay dành cho ghi ta với bài hát: "Hoàng hôn trên bãi biển". Đó là kết quả của một lần ông được ta thăm quan Vịnh Hạ Long. Dù chưa hề có ý niệm về biển, về hoàng hôn nhưng bằng tâm hồn nhạy cảm, cảnh sắc của một buổi chiều tàn trên biển đã được Văn Vượng vẽ bằng những nốt âm thanh đầy cảm xúc, gần gụi, bài hát như lời ông, suốt một thời gian dài được các bạn trẻ Quảng Ninh yêu thích và tìm nghe.

Một vài năm sau, với khả năng âm nhạc thiên phú, Văn Vượng đã trở thành một hiện tượng lạ tại Hải Dương. Thậm chí mới ngoài hai ba tuổi, Văn Vượng đã là thầy giáo của hàng trăm những học sinh quanh vùng yêu bộ môn ghi ta. Lớp học mở được ba năm, nhiều thế hệ học trò đã trưởng thành và Văn Vượng cũng quyết định tạm biệt quê hương lên Hà Nội lập nghiệp. Ông bảo ông lên Hà Nội với lí do rất thực tế, mẹ ông lúc này đã khuất núi, bản thân ông không có người chăm sóc đỡ đẫn khi cả hai người anh ruột đều đã lên Hà Nội công tác. Và một lí do nữa, lên Hà Nội, ông cảm nhận sẽ có tương lai phát triển nghề nghiệp hơn là ở Hải Dương.

"Tôi mất một năm trời nằm trong phòng không ra khỏi nhà người anh trai để… học cách tiếp cận với đời sống phố thị. Tôi lắng nghe cuộc sống bằng cách riêng của mình. Rồi tôi thấy mọi người ở Hà Nội sống rất chan hòa, ai cũng tốt và nhìn mình đầy thiện cảm".

Hòa nhập cộng đồng, Văn Vượng mạnh dạn xin tham gia biểu diễn văn nghệ ở tổ dân phố, ở những cuộc thi văn nghệ quần chúng. Những giải thưởng, sự ghi nhận của mọi người khiến Văn Vượng thêm niềm tin để sống, để gắn bó với âm nhạc. Một thời gian sau, Đài Tiếng nói Việt Nam đã đến xin thu âm những bản ghi ta do do Văn Vượng để thu âm phát trên sóng quốc gia.

Cho đến giờ, Hà Nội mùa thu, Người Hà Nội, Du kích sông Thao… đã được nhiều người chơi, biểu diễn nhưng tiếng đàn Văn Vượng, khi chơi những tác phẩm này, vẫn mang những dấu ấn riêng không ai có thể so sánh. Văn Vượng bảo ông nhớ mãi kỷ niệm khi được ngồi chơi đàn ghi ta cho nhạc sỹ Văn Cao nghe. Trước khi chơi bài: "Trường ca sông Lô", Văn Vượng đã nói trước với Văn Cao rằng: ""Em soạn cho guitar, anh nghe chỗ nào cần chửi mắng thì cứ nói nhé". Văn Cao nghe xong, bật diêm hút điếu cày, từ từ nhận xét "Tôi không ngờ bài viết cho hợp xướng 4 chương mà biểu diễn được trên đàn guitar 6 dây đầy đủ đến thế...". Cũng từ đó, Văn Vượng bảo, Văn Cao xem ông như một người bạn tâm giao thân thiết dù tính về tuổi tác và vị trí nghệ thuật, Văn Cao luôn là một người anh lớn của ông.

Văn Vượng bảo ông chơi những bản nhạc về Hà Nội như một sự trả nợ. Trả nợ mảnh đất đã nuôi nấng mình, đã cho mình bao nhiêu kỷ niệm buồn vui. Hà Nội trong ông là Hà Nội của những ngày xưa cũ. Là những mái ngói thâm nâu và tiếng tàu điện leng keng. Là hơi thu se lạnh trong tiếng chuông chùa trầm mặc vọng từ xa ngái… Tất cả điều ấy, ông chỉ cảm nhận được qua tưởng tượng và bằng âm thanh. Vậy nên khi nói lên nỗi lòng mình, ông cũng chỉ biết dồn nén cảm xúc qua những nốt nhạc. Chính vì thế mà khi nghe tiếng đàn Văn Vượng, người nghe sẽ cảm nhận thấy sáu dây các hợp âm nhiều nốt nhưng giai điệu bao giờ cũng nổi lên rõ ràng.

Chia tay, Văn Vượng bảo nếu có một ao ước thì ông ao ước sẽ được sang nước ngoài phẫu thuật mắt. Thể bệnh như ông vẫn có thể phẫu thuật thành công nhưng chi phí thì không hề nhỏ, đối với một gia đình nghèo như ông. Nhưng ông vẫn hi vọng một ngày ước mơ trở thành hiện thực. Mà tại sao không, khi suốt bảy mươi năm qua ông cũang sống bằng niềm tin và những ước mơ nho nhỏ.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước