Thanh Bùi: "Á phiện" của tôi là âm nhạc

ĐL.Nhân Ái-Thứ tư, ngày 21/08/2013 07:24 GMT+7

 Thanh Bùi thừa nhận mình không sử dụng bất kỳ loại chất gây nghiện nào – không uống rượu, không hút thuốc, không chơi thuốc…- vì đơn giản, âm nhạc đã là "á phiện" của anh.

Nếu bạn xem Giọng hát Việt nhí – phiên bản Việt của chương trình The Voice Kids, bạn có thiện cảm với cách trò chuyện, giao tiếp gần gũi của Thanh Bùi thì khi tiếp xúc ở ngoài, Thanh Bùi cũng không có sự khác biệt nào. Cũng có thể cách nói chuyện của anh còn mang đến thiện cảm nhiều hơn bởi sự thẳng thắn, thành thật, không màu mè và hơn hết là cách nhìn cuộc sống đầy sự tích cực. Thanh Bùi – cũng với cách nói chuyện đơn giản – truyền được cho người đối diện sự say mê của anh với công việc đang làm với một niềm tin gần như tuyệt đối.

Một cách nhìn cuộc sống tích cực và một niềm tin tuyệt đối vào những gì mình đang làm, trong bối cảnh của âm nhạc Việt Nam hiện nay, đó không phải là điều nghệ sĩ nào cũng có.

‘ (Ảnh: Thanh Bui's Facebook)

Thanh Bùi nói: “Thị trường âm nhạc của mình thay đổi nhanh lắm. Mới đây thôi, qua The Voice Kids, không chỉ tôi, báo chí mà những người hoạt động trong ngành âm nhạc cũng thấy rõ chúng ta có nhiều tài năng như thế nào và điều chúng ta cần chỉ là thêm thời gian nữa thôi. 3-4 năm nữa những tài năng ngày hôm nay – với sự đào tạo bài bản – sẽ làm được rất nhiều điều”.

Có vẻ như tham gia The Voice Kids, được tiếp xúc với các bạn nhỏ đã mang đến cho anh rất nhiều lạc quan về một thế hệ trẻ của Việt Nam trong tương lai?

- Đúng vậy! Tôi thấy các bé rất tài năng. Tuy nhiên, điều cần là các bé được đào tạo bài bản về âm nhạc. Tôi luôn muốn các bé được đào tạo tốt nhất có thể và không muốn bất cứ bé nào đi đường tắt trong nghệ thuật. Vì, như bạn biết, đường tắt sẽ gây ra rất nhiều tiêu cực. Không có một cái nền vững cũng giống như một ngôi nhà cao, đẹp được xây trên một cái móng dở, đẹp thế nào thì trước sau gì cũng sẽ bị sụp. Vì thế, tôi muốn các bé được đào tạo chu đáo, chuyên nghiệp, … bé nào cũng phải biết nhạc lý, phải biết chơi một loại nhạc cụ nào đó và biết tự viết nhạc. Khi mình tự viết nhạc mình mới có được màu sắc riêng. Như Katy Perry, Rihanna, Beyonce, Adele… tất cả họ đều biết viết nhạc và khi họ tự viết nhạc họ có được màu sắc riêng biệt của chính họ.

Nhân anh nói đến chuyện đi đường tắt trong nghệ thuật. Có nhiều bạn trẻ bây giờ tìm đến các chương trình truyền hình thực tế, những chương trình tìm kiếm tài năng để được nổi tiếng nhanh hơn. Anh thấy thế nào về điều này?

- Cái đó từ từ rồi mọi người sẽ hiểu, vì cái gì cũng cần có thời gian. Tôi luôn nghĩ cái gì nhanh và đi đường tắt sẽ không bao giờ có được sự bền vững. Lúc còn trẻ tôi cũng hăng máu lắm nhưng rồi thời gian với những trải nghiệm cho mình những kinh nghiệm, mình học được rằng mình còn thiếu gì và những gì mình cần làm.

Tôi nghĩ cái hay hay dở phụ thuộc vào cách mình nhìn. Càng trưởng thành mình sẽ càng biết về bản thân mình hơn, biết cái gì là quan trọng. Nói chung, thời gian sẽ dạy cho chúng ta nhiều điều.

Vậy hãy nói một chút về cuộc thi Australian Idol đi. Cuộc thi này đã mang đến cho anh điều gì?

- Tôi học được rất nhiều điều khi tham gia cuộc thi này. Đó là mình phải tự tin, phải hiểu mình là ai, phải có câu chuyện riêng và nói tiếng nói riêng của mình và hơn thế, đó là mình phải có màu sắc riêng. Sau cuộc thi mình không còn nhìn mình là một ca sĩ nữa mà là một nhà sản xuất. Tôi đã được tiếp xúc với nhiều tên tuổi lớn tôi ái mộ như Darren Hayes (nhóm Savage Garden), Jennifer Lopez, một số người từ Jackson 5… Tôi tự hỏi cùng là con người nhưng tại sao họ làm được những điều như thế mà mình thì không? Vấn đề chỉ là mình cần cố gắng. Những gì mình chưa giỏi thì mình cần phải học, mình giỏi rồi thì mình phải học để giỏi hơn nữa. Mình luôn phải học vì nếu mình ngừng lại nghĩa là mình thua rồi.

Tôi là một học trò của âm nhạc, luôn luôn như thế. Càng học tôi càng cảm thấy mình còn chưa biết nhiều, càng đi xa tôi càng cảm thấy mình chỉ giống như một hạt cát trên bãi biển. Kiến thức âm nhạc vĩ đại lắm.

Tôi hơi thắc mắc là anh sinh trưởng ở Úc, học tập rồi làm việc với nhiều tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp âm nhạc thế giới, vậy lý do gì khiến anh lại quyết định về Việt Nam – nơi mà như nhiều nghệ sĩ vẫn nói là chưa có ngành công nghiệp âm nhạc thật sự?

- Lý do lớn nhất là tôi là người Việt Nam. Tôi may mắn được học, làm việc rất lâu ở nước ngoài và tôi cảm thấy mình có bổn phận và muốn đem những kinh nghiệm đó đóng góp, cống hiến vào ngành âm nhạc của Việt Nam.

Tôi đã được làm việc với những người từng giành giải Grammy, thầy dạy của tôi cũng từng dạy cho Michael Jackson, Stevie Wonder… Tôi quá may mắn khi có những cơ hội như vậy và tôi nghĩ tôi cần phải làm điều gì đó cho thế hệ sắp tới. Khi mình đã có tất cả thì mình phải tìm ra lý do vì sao mình sống. Tôi không sống chỉ để mua một chiếc xe mới hay một đồ vật mới. Tôi không sống như vậy được vì nó không có ý nghĩa gì. Tôi luôn nghĩ mình phải tìm ra lý do vì sao mình thức dậy vào mỗi buổi sáng.

Đó là lý do anh thích công việc của một thầy giáo dạy nhạc?

- Mỗi buổi chiều tôi thấy gần 300 bé đến học và tôi nhìn thấy được thế hệ tới. Nhìn các bé tôi tin 5-7-10 năm sau, 20 năm sau… chúng ta sẽ có một thị trường âm nhạc và chúng ta phải có một thị trường âm nhạc thực sự. Bởi vì các nước khác làm được tại sao nước mình không làm được? Chỉ là mình cần một sự đầu tư lớn về thời gian, tâm huyết cho thế hệ trẻ - những bé sau thế hệ ngày nay. Thế hệ bây giờ không làm được nhiều nữa.

Ý anh là…?

- Thế hệ của chúng ta không so sánh được với các bé bây giờ. Bây giờ bé nào cũng được tiếp cận với âm nhạc thế giới thông qua truyền hình, internet, bé nào cũng biết hát tiếng Anh vì được học ở trường quốc tế và tiếng Anh cũng được dạy ở tất cả các trường học. Ngày xưa đâu được điều kiện như vậy. Vì vậy, tôi thấy ít điều kiện mà mọi người làm được như thế này là quá hay rồi.

Tôi nghĩ bây giờ điều chúng ta cần là phải cùng xây dựng cho thế hệ trẻ vì thế hệ trẻ chính là sức mạnh của đất nước mình, là tất cả những gì mình muốn làm trong tương lai.

Anh còn nhớ cảm giác khi lần đầu anh trở về Việt Nam, làm việc và tiếp xúc với âm nhạc Việt Nam?

- Không thể có sự so sánh và cũng không thể so sánh được. Mình phải hiểu lịch sử, văn hóa của mình ra sao và thị trường của mình như thế nào. Chúng ta không thể so sánh được với những đất nước đã có lịch sử mấy trăm năm về âm nhạc. Chỉ là mình thấy cái thực tế đang diễn ra và mình biết mình cần phải làm gì và mình cống hiến hết sức, hỗ trợ trong khả năng và công việc của mình theo cách đúng.

Điều quan trọng là mình tôn trọng những gì ở đây và mình thấy những gì mình nên làm. Khi mình tin vào cái gì đó thì mình sẽ làm nó theo cách tốt nhất mình có thể làm được. Mình muốn một sự cộng tác của mọi người và mong được rằng trong thị trường của mình mọi người sẽ cộng tác với nhau nhiều hơn thì nó sẽ hay hơn. Nhưng cái gì cũng cần thời gian, thời gian nó cho mình có được sự thay đổi.

Nói chuyện với anh tôi thấy anh có một thái độ sống rất tích cực.

- Thái độ sống đó là tôi được thừa hưởng từ ba mẹ, ba mẹ đã dạy tôi điều đó.

‘ Vậy tôn chỉ của anh trong cuộc sống cũng như trong công việc là gì?

- Mình phải sống có đạo đức. Đức thắng tài chứ tài không thể thắng đức. Mình sống phải nhìn trước nhìn sau và quan tâm từ những chuyện nhỏ nhất. Tôi nghĩ con người ai cũng quan trọng, không ai hơn ai và mình phải đối xử với mọi người như nhau. Càng sống tôi càng hiểu và thấm thía điều đó.

Anh đang làm việc trong một ngành nghề có rất nhiều sự cám dỗ, hỏi thật, đã bao giờ anh bị những cám dỗ đó mê hoặc?

- Chưa từng. Có thể đó là do cá tính và con người tôi từ nhỏ đã như vậy rồi. Tôi chỉ làm những điều muốn làm, không ái ép buộc được tôi cả. Tôi không hút thuốc, không uống rượu, không chơi thuốc… vì âm nhạc là á phiện, là chất gây nghiện của tôi rồi. Ngoài âm nhạc tôi không cần gì cả. Tôi thấy cuộc sống và những gì tôi đang có đã quá đầy đủ rồi. Tôi không muốn làm bất cứ điều gì để mất đi những hạnh phúc tôi đang có. Tôi không bị cuốn theo những tiêu cực. Có thể nói tôi may mắn. (cười)

Anh sợ nhất điều gì?

- Tôi sợ nhất là một buổi sáng nào đó tôi tỉnh dậy và không hát được nữa. Tôi sợ lắm. Vì thế, tôi không bao giờ muốn làm điều gì tiêu cực.

Hãy nói với tôi về chất "á phiện" của anh đi. Tôi luôn tò mò khi người ta “phê” cảm giác của họ như thế nào?

- (cười) Nó giống như mình đang bay. Khi nhắm mắt lại tôi cảm thấy như được ai đó gắn lên người mình 10 đôi cánh. Mình bay và không có bất cứ sự ràng buộc nào. Mình như Peter Pan, như một con chim, 100% những gì mình cảm thấy là thật. Mọi thứ đều thật. Khi có âm nhạc nó giúp tôi sống thật và không sợ phải đối phó với bất cứ điều gì.

Tôi nghĩ sống thật có thể đau nhưng vui. Bạn biết đấy, sống thật là rất khó, không gì khó bằng sống thật nhưng khi mình sống thật mình sẽ không sợ gì cả. Dù ai nói gì mình cũng không sợ. Ai đó muốn tấn công mình mình cũng không sợ.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước