Trang Trịnh: Đừng nghe nhạc cổ điển bằng trí tuệ

Thu Trang-Thứ năm, ngày 16/01/2014 15:17 GMT+7

Ám ảnh phải hiểu được nhạc cổ điển đã khiến khán giả Việt Nam ngày càng xa rời với thể loại âm nhạc này. Theo nghệ sĩ piano Trang Trịnh, âm nhạc là phạm trù của cảm xúc nên đừng đặt trí tuệ cao hơn cảm xúc khi đến với nhạc cổ điển.

Mở nhiều cánh cửa để đến với nhạc cổ điển

Mới về nước được gần 3 năm nhưng Trang Trịnh là cái tên gắn với rất nhiều hoạt động sôi nổi nhằm đưa nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng. Tốt nghiệp xuất sắc thạc sĩ âm nhạc chuyên ngành biều diễn tại Học viện âm nhạc Hoàng gia Anh, từ chối nhiều lời mời hấp dẫn, cô gái nhỏ bé sinh năm 1986 trở về nước với một mục tiêu không hề nhỏ: thay đổi quan niệm của người Việt với nhạc cổ điển.

Để thực hiện được ước mơ của mình thì ngoài công việc biểu diễn, Trang cũng mở những lớp học về cảm thụ âm nhạc, vừa là để chia sẻ kiến thức, cũng vừa để tìm hiều thêm về công chúng Việt. Sau một thời gian cô đã khám phá ra được lý do tại sao tại Việt Nam nhạc cổ điển lại bị xếp vào “viện bảo tàng”.

“Công chúng đã đặt trí tuệ cao hơn cảm xúc khi nghe nhạc cổ điển, một bản nhạc cổ điển đã trở thành những mệnh đề toán học rắc rối hay những công trình khoa học giành giải thưởng Nobel. Chúng ta cần tạo ra nhiều cánh cửa để khán giả dễ dàng đến với nhạc cổ điển. Tôi tin, nhạc cổ điển có đủ cảm xúc và sự gần gũi để đi đến trái tim khán giả” Trang Trịnh cho biết.

Xác định rất rõ ràng con đường mình theo đuổi là giáo dục âm nhạc đại chúng, tức là phải tìm ra và phá bỏ rào cản thời gian, kiến thức, để khán giả có thể đến được với nhạc cổ điển. Mỗi chương trình biểu diễn của cô không phải là những chương trình biểu diễn đơn thuần mà có sự kết hợp giữa “xem” và “nghe”. Nếu chỉ “nghe” không thôi thì sẽ rất dễ gây nhàm chán và khó tiếp nhận. Vì thế cần làm sự thưởng thức trở nên sống động hơn với phần xem và thậm chí nhiều hình thức khác nữa. Trong thời đại của công nghệ, các nghệ sỹ nhạc cổ điển đều nhận thấy tầm quan trọng của những cách làm mới và gần gũi để tiếp cận công chúng trẻ.

Cô gái quyết tâm thay đổi định kiến của người Việt với nhạc cổ điển

Trong 3 năm vừa quan Trang Trịnh đã thử nghiệm biểu diễn sáng tạo với 3 chương trình: Nhật Ký Dương Cầm, Độc tấu (Khúc Dạo Đầu) và Beethoven Fantasy được khán giả rất ủng hộ. Mới đây nhất trong LuaLa Concert Thu Đông 2013, Trang Trịnh đã khiến các bé thiếu nhi “mê mẩn” khi chơi Tổ khúc Lễ hội muông thú của nhà soạn nhạc người Pháp Saint-Sean. Để giúp các khán giả nhỏ dễ dàng khám phá ra những con vật gần gũi, đáng yêu cũng như cảm nhận được ngôn ngữ của chúng qua âm nhạc, cô đã chọn cách tương tác khi chơi nhạc.

Hiệu ứng rất tốt từ các thử nghiệm đầu tiên trong ba năm vừa rồi khiến Trang thêm tin tưởng vào con đường phổ cập âm nhạc cổ điển của mình. Nhưng theo cô vẫn còn rất nhiều việc phải làm và cô mong muốn có thêm nhiều người nữa có cùng chung chí hướng với mình để có được kết quả khả quan hơn.

Dàn hợp xướng kỳ diệu - món quà của tình yêu thương.

Trang Trịnh bảo, cô rất tâm huyết với một câu nói của mẹ Teresa, đại ý rằng, bất hạnh lớn nhất của con người không phải là thiếu một mái nhà, mà ở cảm giác bơ vơ lạc lõng, không tìm thấy bản thể của mình trong xã hội…

Trong muôn ngàn những bài học giá trị về cuộc sống, âm nhạc dạy cho chúng ta bài học về vẻ đẹp. Vẻ đẹp của âm nhạc được tạo nên bởi sự hòa hợp giữa các nốt nhạc, giữa các nhạc cụ, giữa nhiều giọng hát trong một dàn hợp xướng. Cũng giống như vậy, vẻ đẹp trong cuộc sống bắt đầu từ việc mỗi người tìm thấy sự hòa hợp với chính mình, lắng nghe, tôn trọng và yêu thương bản thân.

‘ Vợ chồng Trang Trịnh và dàn hợp xướng kỳ diệu

Dàn hợp xướng kỳ diệu là dự án được vợ chồng cô lấy cảm hứng từ một chương trình đào tạo âm nhạc xã hội ở Venezuela, bắt đầu từ một mô hình nhỏ và hiện giờ đã lan rộng ra 54 quốc gia trên thế giới. Với Dàn hợp xướng kỳ diệu, họ sẽ dạy các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn biết đàn, biết hát, nhưng âm nhạc lại không được đặt lên vị trí hàng đầu. Mục đích chính là sự phát triển tinh thần và thể chất của các em. Điều kỳ diệu mà hợp xướng muốn tạo ra đó là, luyện tập âm nhạc nghiêm túc để khám phá sự hòa hợp và tình yêu thương một cách sâu sắc nhất.

Dàn hợp xướng kỳ diệu ra đời, để các em nhỏ thiệt thòi được động viên, chia sẻ đúng như mục đích và tôn chỉ của chương trình “Hãy để chúng tôi cho các em thấy vẻ đẹp của âm nhạc và để âm nhạc cho các em thấy vẻ đẹp của cuộc sống"

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước