Để đào tạo được những cầu thủ tài năng, những trung tâm như PVF quan tâm đầu tiên đến việc chọn thầy.
Đào tạo thầy rồi mới đào tạo trò
Có một thực tế ít ai để ý, trong quá khứ, phần lớn các HLV ở các tuyến trẻ thuộc CLB chuyên nghiệp hoặc trực thuộc địa phương (Sở), thường là các cầu thủ mới giải nghệ, chưa (thậm chí không) được đào tạo qua các lớp chuyên sâu về huấn luyện (bằng C, B, A HLV chẳng hạn). Họ được phân làm bóng đá trẻ như một điều đương nhiên trước khi được quy hoạch lên ban huấn luyện ở đội 1.
Đấy là một lối tư duy sai lầm bởi dạy cầu thủ trẻ hoàn toàn không đơn giản và chỉ cần một động tác kỹ thuật được uốn nắn sai cơ bản, có thể “đi” mất một tài năng, thậm chí cả một thế hệ. Ngoài ra, công tác giáo dục, tác phong sinh hoạt, với cầu thủ trẻ cũng không thể dễ dãi được. Cầu thủ trẻ như trang giấy trắng và một nét vẽ nguệch ngoạc sẽ in dấu cả đời. Và thật may mắn khi thời gian qua, đã có sự thay đổi đáng kể trong việc nâng cấp đội ngũ HLV tuyến trẻ.
Ví như Quỹ Đầu tư & Phát triền tài năng bóng đá Việt Nam (PVF) là tập hợp gần 20 HLV (chưa tính quản sinh, đội ngũ y – bác sỹ), phần lớn đều là các cựu tuyển thủ quốc gia và được ăn học bài bản. Nhiều thời điểm, mác tuyển thủ còn được cho là “quota” để bước vào mái nhà PVF, rồi mới xét lý lịch, tư cách người thầy (tất nhiên có đào thải). Đấy cũng là điều bình thường, bởi bóng đá trẻ, như đã nhắc, có những đòi hỏi khắt khe hơn nhiều người vẫn nghĩ.
Khâu tổ chức đội ngũ HLV chuyên làm bóng đá trẻ ở Hà Nội.T&T hay HA.GL cũng theo mô tuýp chủ đạo này: Tìm và đào tạo thầy tốt. Ở SHB.Đà Nẵng nhiều năm qua có hẳn chức danh Chủ tịch Hội đồng HLV, với cương vị cao nhất thuộc về Lê Huỳnh Đức… Tiếc rằng, những lò đào tạo hay các CLB chuyên nghiệp có hệ thống đào tạo trẻ đạt chuẩn ấy, chỉ là những điểm sáng hiếm hoi ở Việt Nam, một vài nơi, hệ thống đào tạo trẻ còn là vùng trắng.
Tuyển trạch viên và “chân rết” bóng đá trẻ
Ở phần lớn các nền bóng đá phát triển, các CLB chuyên nghiệp thường sở hữu một đội ngũ đông đảo những nhà tuyển trạch, hiểu theo một nghĩa nào đó, họ còn được xem là những “thợ săn” trong việc lùng sục, tìm kiếm các tài năng bóng đá về cho CLB. Đội ngũ này nhận được sự tin tưởng gần như tuyệt đối của các HLV các tuyến trẻ, thậm chí có cả sự tôn trọng rất cao của HLV đội 1. Nói chung, họ là những "chân rết" hoạt động hiệu quả.
Với rất nhiều các “thợ săn” được rải khắp nơi (một số làm việc và nhận lương theo hợp đồng, số còn lại là cộng tác viên), các CLB hàng đầu thế giới sẽ không mất công phải mở các lớp tuyển sinh hoặc hợp tác với địa phương, quốc gia, mở Học viện bóng đá, vốn hao tiền tốn của lại nhọc công. Chúng ta đều biết là, hằng năm, PVF hay Học viện bóng đá HA.GL Arsenal JMG đều tổ chức tuyển sinh khắp nước, đó là một cách làm, khi tuổi đời của các lò này còn khá non trẻ.
Ít điều kiện như SLNA, SHB.Đà Nẵng, Nam Định, TĐCS.Đồng Tháp, K.Khánh Hòa (trước đây) hay gần nhất là Hà Nội.T&T không thuận theo quy chuẩn đó, song vẫn rất hiệu quả, nhờ đội ngũ “chân rết” tại các địa phương. Thành Lương, cầu thủ từng 2 lần đoạt danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam được phát hiện thông qua một giải đấu cấp huyện hay Hải Anh, tiền đạo nội tốt nhất, nhì V-League tính đến thời điểm này, học Đại học rồi mới đi đá chuyên nghiệp…
Có nhiều cách khác nhau để đi đến một đáp án: Sự hiệu quả trong công tác đào tạo, huấn luyện bóng đá trẻ, vấn đề là cái tâm và sự nghiêm túc, chứ không chỉ là lời nói gió bay. Bóng đá trẻ luôn là cội rễ của mọi sự phát triển, với các giải đấu và với cả nền bóng đá. Và khi cung còn chưa đủ cầu (đó là lý do khiến bao năm qua, V-League và hạng Nhất vẫn phải đi vay mượn, thuê mướn và nhập tịch tràn lan), thì đừng nói chuyện xuất khẩu cầu thủ.