Hai cú đột phá
Năm 2002, bầu Đức gây chấn động Đông Nam Á với thương vụ đưa Kiatisuk về phố núi. Hồi đấy, không ai ngờ ông bầu vốn còn lạ hoắc này lại làm được cái việc động trời đến vậy.
Hồi đấy, HA Gia Lai làm gì nổi tiếng như bây giờ. Đội bóng của ông Đức lúc đó cũng chỉ đá ở giải hạng Nhất, chứ chưa được lên V-League. Thế nên, trước khi Kiatisuk hiện diện ở phố núi, không mấy người tin rằng “Zico Thái” chịu về dưới trướng bầu Đức.
Nhưng nhờ thương vụ đình đám ấy mà thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai (tên cũ là Hoàng Anh Pleiku) từ chỗ không ai biết trở thành thương hiệu hàng đầu cả nước, rồi nổi tiếng khắp cả Đông Nam Á. Nhờ thương vụ ấy mà bầu Đức từ chỗ vô danh trở thành ông bầu bóng đá nổi tiếng nhất nước.
Ông Đức cho biết cũng nhờ cú làm ăn lịch sử ấy mà ông được rất nhiều, cái được lớn nhất là cái tên HA Gia Lai sau này đi đâu ai cũng biết, không chỉ trong bóng đá mà còn trên thương trường.
13 năm sau, thêm một cú sốc khác được bầu Đức thực hiện, đấy là cú sốc mang tên Công Phượng và các đồng đội. Về mặt ảnh hưởng, có thể nói sức hút của lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Hồng Duy… bây giờ không thua cái tên Kiatisuk ngày nào.
Lâu lắm rồi người ta mới thấy người hâm mộ trong nước quan tâm đến bóng đá và quan tâm nhiều đến một đội bóng trong nước đến vậy, cũng lâu lắm rồi người ta mới lại bầu Đức có hứng với bóng đá.
Và cũng giống như thương vụ liên quan đến Kiatisuk cách nay 13 năm, sự xuất hiện của Công Phượng và các đồng đội không chỉ giúp ông Đức thu lợi thông qua bóng đá, mà còn làm lợi cho hoạt động kinh doanh của chính ông này. Cổ phiếu của cả tập đoàn tăng ào ào, doanh số của doanh nghiệp tăng cao, từ thời điểm lứa U19 hiện nay trình làng hơn 1 năm nay.
... cho đến Công Phượng, bầu Đức luôn biết cách tạo ra những cú đột phá về ý tưởng
Người đi tiên phong
Trong kinh doanh, người ta hơn nhau ở ý tưởng. Về mặt này, ông bầu Đoàn Nguyên Đức lại đi trước nhiều ông bầu khác, nhiều doanh nhân khác đang làm bóng đá.
2 thương vụ nổi đình nổi đám của bầu Đức trong vòng 13 năm qua có nguy cơ thất bại hay không? – Câu trả lời chắc chắn là có. Ở đâu cũng có rủi ro. Ví như Kiatisuk mà bị tẩy chay ở phố núi 13 năm trước thì mọi tính toán của bầu Đức có thể hỏng.
Hoặc với lứa U19 bây giờ, cách nay 7 năm, ngày họ mới chập chững bước vào học viện HAGL-Arsenal.JMG, có mấy ai dám chắc rằng họ có thể nổi tiếng như bây giờ. Đấy là ông Đức chấp nhận rủi ro, chấp nhận đầu tư tiền, rất nhiều tiền vào một lứa cầu thủ mà ông còn chưa trả lời chắc được rằng sau 7 năm đào tạo, họ sẽ ra sao?
Nên nói gì thì nói, công của bầu Đức với bóng đá trẻ Việt Nam không hề nhỏ. Hầu hết các ông bầu khác khi làm bóng đá đâu dám làm vậy, ví như bầu Trường bỏ ra hơn 500 tỷ đồng trong 7 – 8 năm làm bóng đá, nhưng bầu Trường chỉ toàn mua về cầu thủ đã nổi tiếng sẵn, đâu đủ kiên nhẫn bắt đầu từ con số không. Rồi bầu Thụy cũng vậy.
Nếu năm nay HA Gia Lai với lứa U19 thành công, người ta sẽ lại tung hô lứa cầu thủ của bầu Đức và cả ông bầu này. Còn nếu lứa ấy thất bại ở V-League, người ta cũng sẽ có cái nhìn thông cảm cho họ, rằng họ cần thời gian để tích lũy thêm. Thành ra, đằng nào thì bầu Đức chỉ có được chứ không có mất.
Câu chuyện nói nghe thì đơn giản, nhìn thì thấy thích, vì cơ bản bây giờ người ta đã thấy được kết quả rồi. Nhưng lật lại vấn đề của cách nay 7 năm, đâu ai dám nghĩ và dám làm như bầu Đức: Đổ tiền vào chỗ nhiều rủi ro?!
Với nhiều ông bầu khác cứ thấy nản là bỏ, huống hồ gì là cả quá trình 7 năm tuyển chọn, đào tạo, rồi tìm môi trường để cầu thủ phát triển. Có lẽ không nhiều nhà đầu tư kiên nhẫn đến mức đó đâu!
Và quan trọng hơn cả là không chỉ mình bầu Đức có lợi, bóng đá Việt Nam nói chung cũng có lợi từ những ý tưởng của ông Đức. Cái lợi dễ thấy nhất là người hâm mộ vẫn thấy điều đáng để xem, những người làm bóng đá thấy mô hình đáng để học!