Không có biển hiệu, cũng chẳng có 1 cơ sở sản xuất to tát. Ấy vậy mà người thợ giày này là người đã cung cấp giày cho hầu hết những người chơi đá cầu ở Hà Nội, cả nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp. Với giới đá cầu chuyên nghiệp thì giày của anh Nguyễn Văn Dân còn được sử dụng khắp trong Nam ngoài Bắc. Với nhiều VĐV, sự nghiệp của họ gắn liền với những đôi giày của anh Dân.
"Em đã mua giày của chú Dân được mười lăm năm rồi. Từ lúc em còn chập chững vào nghề. Mới biết đi đá cầu. Em đã từng thử vừa đôi giày khác nhau rồi nhưng không chơi được. Giày của chú Dân mặt dày rất là mềm mại. Đế giày chắc chắn. Độ nảy rất là tốt khi tiếp xúc. Và mình cảm nhận được quả cầu. Mình có thể điều khiển được những kĩ thuật của mình" - VĐV Trần Ngọc Hải, Đội tuyển Đá cầu Việt Nam.
Những đôi giày đá cầu của anh Dân có thể được sử dụng trên mọi mặt sân, sân xi măng, sàn gỗ, thậm chí là trên cát. Dù được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công nhưng chúng lại hơn hẳn những đôi giày đá cầu công nghiệp. Cảm nhận điều này rõ nhất có lẽ là những tuyển thủ đá cầu Quốc gia.
"Em thấy các bạn nước ngoài đá cũng như loại giày của mình. Chỉ có khác là chất liệu nó xù hơn. Nó không có độ nảy như đôi giày của mình. Nhiều khi họ trang trí màu mè cách điệu lên thôi chứ thực ra không khác gì giày Việt Nam mình. Với em màu mè hay sặc sỡ không quan trọng. Quan trọng là đơn giản và hiệu quả. Giày họ xù lên thì khi tấn công, phải ra lực nhiều hơn, rất mất sức" - VĐV Lê Thị Lan Hương, Đội tuyển Đá cầu Việt Nam.
"Trong quá trình thi đấu, các bạn ấy cũng đã nhìn thấy đôi giày của mình rồi. Cũng hay hỏi hoặc là dòm ngó đấy. Hết giải thì nhiều bạn muốn xin mình đôi giày để các bạn đá. So với giày của họ thì giày của mình mỏng, cảm giác chân rất là tốt. Giày của họ, bề mặt dầy quá, không có cảm giác, khó đá" - VĐV Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Đội tuyển Đá cầu Việt Nam.
Nghề làm giày của anh Dân là nghề gia truyển. Đến anh Dân đã là đời thứ 3. Bắt đầu làm giày từ năm 13 tuổi, điều anh Dân chú trọng nhất luôn luôn là chất lượng.
Ông Nguyễn Văn Dân cho biết: "Hồi còn trẻ làm 5,6 đôi một ngày. Giờ chỉ có 3,4 đôi/ngày. Khó nhất là công đoạn sửa và khâu, đau tay, mệt mỏi. Hồi trẻ làm hăng, bây giờ mệt mà chất lượng vẫn phải thế, vẫn phải tốt. Giày bằng máy thì đỡ mệt. Giày đá cầu phải khâu, phải gò chắc chắn thì các VĐV mới chiến thắng được. Giày như là 1 phần thân thể của VĐV. Làm lấy chất lượng, không phải số lượng để anh em đá cầu yên tâm".
Hàng đặt ngày càng nhiều nhưng anh Dân vẫn chưa thể giàu có. Tuy nhiên, đó cũng không phải là điều bận tâm quá lớn của người thợ giày này.
"Nghề vất vả, lấy công làm lãi. Nói thật với các ông các bà các bác là có nghề trong tay thì không sợ đói. Có lao động vất vả tý nhưng vui" - Ông Dân vui vẻ cho biết.
Những chiếc cốt giày này là của thừa kế mà cha ông để lại cho anh Dân. Ngoài ra, các cụ còn để lại cho anh sự khéo tay, tính kiên nhẫn và lòng yêu nghề. Một cái nghề thầm lặng nhưng chẳng kém phần vinh quang. Giờ đã hơn 50, anh Dân đã bắt đầu truyền nghề cho các con, các cháu để rồi những người đá cầu vẫn cứ rủ nhau lên Bưởi để mua giày của người thợ Nguyễn Văn Dân.