Với những nước có nền bóng đá phát triển, khán giả không chỉ tới xem một trận bóng, họ còn đăng kí tham quan sân vận động, các danh lam thắng cảnh, phòng truyền thống của đội bóng,… Chính những điều này đã mang tới cho các đội bóng đó một nguồn doanh thu không hề nhỏ.
Trong khi đó, ở Việt Nam, mặt sân cỏ không đủ tiêu chuẩn thi đấu kéo theo nhiều sự cố trên khán đài còn các cầu thủ vừa đá bóng vừa lo chấn thương. BTC các sân bao năm nay vẫn chỉ biết bao biện rằng: “Chúng tôi muốn cải thiện chất lượng mặt sân lắm, nhưng khổ một nỗi là thiếu kinh phí”.
Vừa qua, BTC của V.League 2016 đã đi thị sát các SVĐ để chuẩn bị cho mùa giải mới. Về lý thuyết, các CLB phải có sân vận động đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn đề ra trong quy chế của bóng đá chuyên nghiệp.
Người soạn ra quy chế của bóng đá chuyên nghiệp rất tỉ mỉ và chi tiết, chỉ có điều hơi thiếu tính thực tế vì nếu đem áp dụng thì khó có CLB nào đáp ứng đầy đủ dù họ đã vượt qua các cuộc kiểm tra của BTC giải. Không đáp ứng đầy đủ quy chế nhưng vẫn qua được các cuộc kiểm tra nhưng đó là một thực tế vẫn tồn tại từ rất lâu rồi của bóng đá Việt Nam.
Ví dụ như sân Vinh của SLNA và sân nhà của FLC Thanh Hóa. Đây là 2 sân bóng đã xuống cấp khá nhiều trong những năm gần đây và việc đáp ứng đủ các tiêu chí dài 5 trang A4 trong bản quy chế bóng đá chuyên nghiệp của VPF là gần như không thể. Tuy nhiên, với tinh thần vừa nghiêm khắc yêu cầu thay đổi nhưng lại vừa châm chước, thông cảm dựa trên điều kiện của mỗi địa phương, VPF vẫn cho phép 2 sân này tổ chức các trận đấu V.League những mùa vừa qua.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.