Trọng tài và chương mới của bóng đá Việt Nam

Mẫu Đơn (TT&VH)Cập nhật 00:00 ngày 03/04/2014

Bóng đá Việt Nam sẽ tốt đẹp hơn nữa nếu cả trọng tài lẫn cầu thủ đều có nhận thức đầy đủ và đúng đắn về nghề nghiệp của nhau.

Ngay sau khi lượt đi mùa giải này kết thúc, Ban Trọng tài với thành phần nhân sự mới do ông Nguyễn Văn Mùi làm Trưởng ban sẽ chính thức vận hành. Một khối lượng công việc khổng lồ và gian nan đang chờ đợi ông Mùi cùng các cộng sự. Và, họ sẽ bắt đầu từ đâu để nâng cao chất lượng đội ngũ cầm còi?

Trưởng ban Nguyễn Văn Mùi cho rằng, việc đầu tiên phải làm là họp Ban Trọng tài để giải quyết những tồn tại, khúc mắc nhằm tạo sự đồng thuận nội bộ. Hẳn nhiên, ông Mùi là người hiểu rằng nội bộ giới cầm còi lâu nay luôn phức tạp. Ngay như trong thành phần nhân sự hiện nay thì 2 trong 3 ủy viên từng tố cáo nhau “tính nhầm” tiền chế độ.

Việc cần kíp sau nữa theo ông Mùi là tiến hành phân công, phân nhiệm rõ ràng, tránh chồng chéo và điều tiếng. Đây là khâu có ý nghĩa quan trọng, đôi lúc quyết định đến số phận nhiều trận đấu. Tiếp đó, Ban Trọng tài VFF cần phối hợp với cơ quan an ninh để giám sát trọng tài tốt hơn.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là giải pháp mang tính tình thế, đối phó. Còn về lâu về dài, Ban Trọng tài phải làm sao đả thông được cái đầu đội ngũ thổi còi, phất cờ. Nói cách khác, trọng tài cần một cuộc cách mạng tư tưởng để họ có ý thức cao hơn về nghề nghiệp.

Muốn làm đạt được mục đích đó, Ban Trọng tài phải tự làm mới mình, phải gương mẫu, phải có tính cầu thị và biết kế thừa. Có như vậy, thuộc cấp mới phục và làm tốt công việc được giao. Bên cạnh đó, vai trò góp sức của các đội bóng, CLB cũng rất quan trọng, bởi nếu đội bóng, cầu thủ nào cũng trong sáng thì khó có chuyện trọng tài “đi đêm”, nhận hối lộ.

Nhưng có lẽ trên hết, Ban Trọng tài cần có năng lực "phản tỉnh". Tức là phải luôn soi lại mình để thấy sai ở đâu mà sửa đổi, thay vì mất đoàn kết nội bộ, tồn tại tình trạng quân anh quân tôi. Và biết lắng nghe dư luận cũng là một cách để Ban Trọng tài tự vấn lại mình.