U19 Việt Nam: "Đừng bỏ hết trứng vào một cái rổ"

Theo Tuỳ Phong (TT&VH)Cập nhật 22:00 ngày 29/01/2014

Hờn dỗi với nền bóng đá, sau những thất bại và thậm chí cả những đổ nát, khiến tất cả đổ dồn kỳ vọng vào U19 Việt Nam. Với một bộ phận người hâm mộ bóng đá, tình yêu mù quáng có thể khiến họ thất vọng trong chốc lát nếu sự thể không như ý muốn, nhưng cầu thủ trẻ, ở đây là “những đứa trẻ của bầu Đức” có thể mất cả tương lai, nếu được gieo vào đầu sự ảo tưởng về năng lực và không biết chế ngự cảm xúc.

Một trong những lời khuyên trong đầu tư, trước khi trở thành câu nói nổi tiếng của tỷ phú Warren Buffett là, đừng bao giờ bỏ hết trứng vào một cái rổ. Nhưng dường như, chúng ta thường có sở thích làm điều ngược lại chỉ vì khái niệm gọi là niềm tin hoặc đôi khi là bất đắc trí.

1. Nhắc lại một chút chuyện bầu Đức mở Học viện bóng đá. Theo tìm hiểu, trước khi đạt được thỏa thuận với Arsenal và JMG toàn cầu, người của Hoàng Anh Gia Lai (HA.GL) đã gõ cửa Chelsea và một số tên tuổi lớn khác ở xứ sương mù, nhưng đều nhận được cái lắc đầu đầy bất nhẫn. Không phải ông chủ Roman Abramovich hay Sir Alex Ferguson hoặc đội bóng chủ sân White Hart Lane, Tottenham, không tin vào một anh nông dân làm bóng đá, mà họ đã biết đích xác năng lực hữu hạn của người Á Đông trong môi trường thể thao đỉnh cao.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao Arsenal với giáo sư Arsene Wenger lại gật?! Vốn đã có sẵn hệ thống các lò đào tạo Arsenal JMG khắp nơi trên thế giới và gần Việt Nam nhất phải là Arsenal JMG Thailand (Học viện ra đời trước HA.GL Arsenal JMG một đôi năm và vừa mới đóng cửa năm 2012), nên sau khi cử các chuyên gia đến Pleiku khảo sát (năm 2007), đội bóng Đông London quyết định bắt tay hợp tác với bầu Đức, vì chỉ được chứ không mất. “Đó là giai đoạn thử thách thực sự khó khăn với chúng tôi, trong việc thuyết phục ông Wenger”, trợ lý của bầu Đức chia sẻ.

Tính cả quỹ đất, cơ sở vật chất, nơi ăn chốn ở, chế độ dinh dưỡng, ăn học, nhân lực và chi phí tuyển sinh khác…, HA.GL đóng góp 2 triệu USD cho một khóa cầu thủ trong suốt 7 năm đào tạo. Trong khi đó, Arsenal và JMG toàn cầu chỉ làm mỗi việc bán (hay chính xác hơn là cho mượn) thương hiệu, cùng những giúp đỡ có thể, trong suốt thời gian đào tạo, ví như cử các chuyên gia đến cố vấn hoặc tạo điều kiện thi đấu cọ xát với các Học viện khác, các hoạt động ngoại khóa, chào hàng… Tỷ lệ ăn chia được quy định rất cụ thể, với một sản phẩm được bán ra.

Ngày đó, thời điểm năm 2007, thị trường chuyển nhượng cầu thủ Việt Nam đang sốt, bầu Đức bấm bụng, chắc chắn sẽ lãi to. Mặc dù vậy, ông chủ của HA.GL Group vẫn bảo lưu quan điểm, rằng thị trường mà HA.GL Arsenal JMG nhắm đến cho sản phẩm đầu ra của mình là châu Âu, hoặc ít nhất cũng là Nhật Bản, Hàn Quốc chứ không phải… V-League. Nhưng ngay lúc này, khi lứa đầu tiên của Học viện HA.GL Arsenal JMG chỉ còn vài tháng nữa là “ra trường” (kết thúc quá trình đào tạo cơ bản), ông Đức vẫn mòn mỏi chờ một đơn đặt hàng.

Trong khi chờ đợi khách hàng gõ cửa, bầu Đức chia sẻ sẽ tiếp tục ươm các tài năng và thậm chí sẽ tạo điều kiện để họ học Đại học?! Đấy chỉ là một cách nói, như bao lần khác ông chủ của HA.GL từng đăng đàn, ví như “Thanh Bình ăn đứt Công Vinh” hay “HA.GL có đến 98% khả năng vô địch V-League” sau khi ký được hợp đồng với cựu tuyển thủ U20 Mỹ, Lee Nguyễn… Có thể ngay lúc này, dù U19 Việt Nam với nòng cốt là “những đứa trẻ của bầu Đức” đang được chào đón, được kỳ vọng, đang gây cơn sốt thực sự, nhưng bầu Đức lại rất… cô đơn.

2. Bất luận thế nào, những bước đi tiên phong của ông bầu phố núi là rất đáng hoan nghênh. Thậm chí, ngay cả khi HA.GL Arsenal JMG thất bại trong việc quảng bá và bán sản phẩm cho thị trường nước ngoài, thì mô hình đào tạo của Học viện này vẫn cứ là kiểu mẫu, vẫn đáng được học hỏi và nhân rộng ở Việt Nam. Làm bóng đá trẻ không nói hay được, mà phải hành động. Cho đến khi lứa cầu thủ đầu tiên được thành hình như hiện tại và ít nhiều gây được thiện cảm, tạo được sự kỳ vọng, bầu Đức đã kiên nhẫn suốt 6 năm, với vài sợi tóc đã bạc đi.

Bằng với chất lượng đào tạo khá ưu việt, được thừa nhận và được đánh gia cao trong môi trường bóng đá nội, U19 Việt Nam còn đặc biệt được yêu mến trong cách chơi bóng bằng với sự khiêm nhường. “Họ chơi bóng bằng tất cả đam mê, đầy tự tin, khoan thai với những gì họ được dạy. Đấy mới là cái được lớn nhất với bóng đá trẻ. Khi bạn chơi tốt, thành tích tương xứng sẽ tự nhiên đến thôi, chứ đừng bắt những người trẻ phải mang về những chiếc Cúp hay huy chương chỉ để làm đẹp phòng truyền thống”, cựu HLV ĐTQG, Phan Thanh Hùng chia sẻ.

Cũng theo ông Hùng, một chuyên gia đào tạo trẻ và từng giúp bóng đá trẻ Đà Nẵng 2 lần liên tiếp lên ngôi ở giải U21 quốc gia – Cúp Báo Thanh Niên, lần đầu tiên trong đời ông được chứng kiến một đội bóng trẻ chơi thứ bóng đá mê hoặc đến thế, tại giải U19 Đông Nam Á và vòng loại U19 châu Á. Mặc dù vậy, thuyền trưởng Hà Nội.T&T vẫn không khỏi băn khoăn, với môi trường phấn đấu và trưởng thành của người trẻ, sau khi họ tốt nghiệp. “Khi họ không thể chơi cùng nhau nữa, đó là lúc chúng ta có một đánh giá đúng mức về năng lực”, ông Hùng nói.

Môi trường bóng đá chuyên nghiệp sẽ là điểm đến bắt buộc tiếp theo cho “những đứa trẻ của bầu Đức”. Nói theo ngôn ngữ dân gian, thì trai lớn lấy vợ, gái lớn phải gả chồng. Khi ấy, từng cầu thủ của HA.GL Arsenal JMG sẽ phải tự học cách thích nghi, tự biết bảo vệ mình và tự nỗ lực vươn lên khẳng định. Nó là một chặng đường dài và sự khốc liệt của bóng đá đỉnh cao có thể sẽ đào thải mất vài cái tên. “Những đứa trẻ của bầu Đức” có thể đang được “cưng như trứng, hứng như hoa”, nhưng họ cũng cần được định hướng rõ ràng con đường chuyên nghiệp.

Thế nên, khoan hãy khẳng định bất cứ điều gì, ví như “U19 Việt Nam là tương lai của đội tuyển Việt Nam” hay “tương lai của nền bóng đá”. Vì đó há chẳng phải là chúng ta đã lại bỏ hết trứng vào một cái rổ sao?! Nền bóng đá muốn phát triển bền vững, không thể bằng con đường đi tắt đón đầu và càng không thể kỳ vọng vào một lò đào tạo, với đôi chục con người, dù họ có ưu việt cỡ mấy!