Một cầu thủ có tài năng thiên bẩm sẽ tạo ra những khoảnh khắc thiên tài. Thế giới có Maradona, Zidane và Messi, Ronaldo thì người Việt Nam ta với nền bóng đá nhỏ bé đành hài lòng với “thiên tài” Văn Quyến vậy. Đã thiên tài, đừng có mà…phán xét !
Trong hầu hết các bình luận (comment) về các bài viết về Văn Quyến, chiếm đa số vẫn là những dòng chữ nói về những ký ức đẹp đẽ của Văn Quyến cách đây 11 năm với đỉnh cao là màn trình diễn ở SEA Games 22 tại Mỹ Đình. Và sau những lời nhớ nhung “ngày xưa ấy”, bao giờ cũng được “khuyến mãi” thêm lời cảm thán về thực tại phũ phàng rằng Văn Quyến của ngày xưa không bao giờ lại.
Nhưng có bao giờ, chúng ta đã tự đặt câu hỏi rằng chính kiểu suy nghĩ Văn Quyến là cầu thủ “siêu đặc biệt”, mẫu tiền đạo “không thể tìm kiếm người thứ hai” đã đưa thần đồng xứ Nghệ vào con đường lụn bại.
‘ Văn Quyến từng là một "Idol" của bóng đá Việt Nam
Sau án treo giò kể từ vụ làm độ ở SEA Games 23 năm 2005, Văn Quyến đã trở lại sân cỏ sau 3 mùa bóng bị treo giò (2006, 2007, 2008). Mùa bóng đầu tiên trở lại V.League 2009, Quyến có 8 bàn thắng và trở thành cầu thủ ghi nhiều bàn nhất cho SLNA.
Song đó lại là tất cả những gì mà Văn Quyến làm được. Suốt 5 mùa bóng ròng rã tiếp theo từ V.League 2009 đến V.League 2014, Văn Quyến biến mình thành người thừa ở SLNA rồi phải sống cảnh lưu lạc đến Xuân Thành Sài Gòn và cuối cùng là Vissai Ninh Bình. Bầu Thụy và bầu Trường đón Quyến về vì quý tài, nhớ vầng hào quang quá khứ của Văn Quyến. Chính xác hơn, Quyến còn “sống” được đến bây giờ là nhờ cái bóng quá khứ chứ không phải vì tài chơi bóng thiên bẩm mà anh từng có.
Quốc Vượng cũng từng giống Quyến nhưng cái bóng quá khứ của Vượng không lớn, không lung linh bằng Quyến nên đành chấp nhận treo giày để về làm anh nhân viên ở hãng vận tải tại Vinh.
Văn Quyến là cầu thủ rất đặc biệt, không chỉ với người Việt Nam và cả với một người nước ngoài khác: HLV Calisto. Nhớ hồi Quyến đã sa sút nghiêm trọng, thường xuyên ngồi ghế dự bị ở SLNA nhưng HLV Calisto vẫn gọi lên ĐTVN tập trung chuẩn bị cho AFF Cup 2010. HLV Calisto luôn coi Văn Quyến, người ông từng huấn luyện hồi Tiger Cup 2002 như một cậu con trai nhỏ cần được bảo ban, chỉ dẫn nên ông cố tạo ra cho Quyến một môi trường để phấn đấu.
Tất cả đổi lại sự thất vọng. Từ SLNA với ông Nguyễn Hồng Thanh, HLV Nguyễn Hữu Thắng đến bầu Thụy, Trần Tiến Đại ở XT.Sài Gòn hay bầu Trường, Nguyễn Văn Sỹ có thể nói đã trải qua cảm giác bất lực là thế nào khi không thể thay đổi được một con người.
5 mùa bóng với gần 2000 ngày ròng rã, Văn Quyến đã làm gì đến nỗi không thể ghi nổi 1 bàn thắng ở V-League? À, Quyến còn bận phải “chiến đấu” với vòng 2 đầy mỡ màng của mình trong một cuộc chiến mà chưa bao giờ anh là người chiến thắng !
Dự bị nhưng Quyến vẫn rất vui vẻ, không bận tâm lắm đến mọi chuyện xung quanh. Có bao giờ, ai đó từng “chộp” được Quyến khoảnh khắc hậm hực, gầm gừ và khó chịu khi phải ngồi trong khu kỹ thuật suốt ngần ấy năm từ SLNA, XT.Sài Gòn và V.Ninh Bình? Đôi khi người ta muốn thấy Quyến bức bối và tù túng đến mức phải “đập đầu vào tường” như Công Vinh năm xưa từng mòn ghế dự bị cho Văn Quyến và Phan Thanh Bình ở đội tuyển U23 Việt Nam thời HLV Alfred Riedl. Không, Quyến vẫn hài lòng với chỗ ngồi quen thuộc của mình.
Những người từng quen biết Văn Quyến hay nhận xét Quyến là người hời hợt, vô tâm kiểu “đứa trẻ con trong hình hài gã đàn ông” nên kết cục bây giờ chính do Quyến tạo ra chứ không ai khác.
"Tiên trách kỷ hậu trách nhân" nhưng thử hỏi, ai đã tạo ra một cầu thủ Văn Quyến “siêu đặc biệt” và không thể thay thế? Có thể Văn Quyến hời hợt, cạn nghĩ nhưng Quyến cũng đủ thông minh nhận biết một lẽ đơn giản rằng: Tại sao phải lao động nhọc nhằn, phải phấn đấu khi mình vẫn cứ là một “Idol”.