Vì đâu Armstrong từ chối “hoàn lương”?

Theo Khánh Đan (Thể thao & Văn hóa)Cập nhật 08:00 ngày 23/02/2013

Lance Armstrong

 Cho tới bây giờ Lance Armstrong vẫn im lặng dù Cơ quan phòng chống doping Mỹ (USADA) đã ra thời hạn cuối cùng là ngày thứ Tư (20/2), cựu tay đua này phải trả lời có hay không chấp nhận đề nghị hợp tác.

Điều đó đồng nghĩa với việc Armstrong đã từ chối đi cơ hội có thể giảm án cấm thi đấu suốt đời và trở lại với đường đua. Tại sao Armstrong lại quyết định như vậy?

Hồi tháng trước, Armstrong đã thừa nhận sử dụng doping trong buổi phỏng vấn trên truyền hình với Oprah Winfrey nhưng chưa nêu ra chi tiết cụ thể cách thức hoạt động của đường dây “doping lớn nhất trong lịch sử thể thao” cũng như danh tính các bác sĩ, huấn luyện viên và quan chức “hậu thuẫn” để anh có thể dối trá trong thời gian dài như vậy.

Chính bởi thế USADA đã liên hệ với Armstrong đề nghị tay đua này hãy chấp thuận hợp tác với họ để làm sạch “bóng ma” doping khỏi làng đua xe. Đổi lại, Armstrong sẽ được giảm án cấm suốt đời xuống còn 8 năm và thậm chí là thấp hơn nữa.

Nhưng, giảm án không phải là mục tiêu mà Armstrong hướng đến bởi nhiều lý do. Tay đua này đủ thông minh để hiểu được rằng hợp tác với USADA chẳng khác nào “con dao hai lưỡi”. Nếu Armstrong cung cấp những thông tin có ích, giúp USADA phát hiện thêm nhiều trường hợp sử dụng doping khác cũng như những kẻ đã phủ bóng đen lên làng đua xe..., thì chẳng nói làm gì. Nhưng nếu nhân viên điều tra của USADA phát hiện ra sự thật trước khi Armstrong hé lộ thì cơ hội được trở lại với đường đua của anh vô cùng khó.

Hơn nữa, Armstrong cũng không muốn vướng vào những vụ kiện tụng dân sự bao gồm cả cáo buộc cho rằng anh và các đồng đội trong đội Bưu điện Mỹ đã sử dụng tiền thuế của dân để phục vụ cho chiến lược doping. Vụ việc này có được đưa ra tòa án hay không đang phụ thuộc vào quyết định của Chính phủ.

Thậm chí, những cáo buộc hình sự cũng “chờ sẵn” Armstrong với tội danh khai man trước tòa, đe dọa nhân chứng…