Tất nhiên, hầu như ai cũng bị thiệt khi các giải VĐQG bị hoãn. Cầu thủ không được ra sân thi đấu, khán giả thì không được theo dõi bóng đá, còn CLB thì không nhận được doanh thu từ bán vé, hoạt động thương mại hay bản quyền truyền hình. Đó là còn chưa kể tới các chi phí khác vẫn phải được thanh toán như thuê nhân viên, chăm sóc sân bãi hay các loại thuế. Các CLB cạnh tranh cho chức vô địch, hay nhóm dự cúp châu Âu cũng sẽ cảm thấy quyền lợi của mình bị ảnh hưởng khi giải VĐQG bị hủy giữa chừng, khi đó công sức phấn đấu của họ để cạnh tranh vị trí sẽ không còn có ý nghĩa.
Ajax đã không thể vô địch Hà Lan mùa này
Việc thi đấu trở lại cũng đang là 1 bài toán không dễ có lời giải cho các nhà quản lý. Điều đó sẽ được thực hiện thế nào, khi mà các yếu tố an toàn phải được đặt lên trên hết, nhưng vẫn phải đem lại cho khán giả những màn tranh tài chất lượng nhất, điều mà người hâm mộ vẫn chờ đợi sau nhiều tháng thiếu bóng đá, còn các cầu thủ thậm chí còn không được tới sân tập.
Tuy nhiên, vẫn có những thành phần nhận được lợi ích từ việc các giải đấu bị hủy kết quả. Đó là những CLB không bị xuống hạng, dù cách nhóm an toàn 1 khoảng cách xa. Ít nhất, họ vẫn có 1 mùa giải nữa được ở lại với sân chơi cấp cao nhất của bóng đá quốc gia đó. Tuy nhiên, thành phần được hưởng lợi này không nhiều, và bản thân các cầu thủ ở những CLB đó cũng muốn được thi đấu, sau nhiều tháng không được ra sân.