Trên thế giới bài ném biên của hậu vệ Arhan của Indonesia đã tạo nên nhiều nỗi ám ảnh cho các đội bóng ở cả cấp độ câu lạc bộ lẫn cấp độ đội tuyển. Không chỉ những đội tuyển quốc gia ở khu vực Đông Nam Á mà ngay cả đương kim vô địch thế giới Argentina cũng đã phải vất vả chống đỡ trước những tình huống ném biên đã trở thành vũ khí sát thương đặc biệt nguy hiểm của ĐT Indonesia. Arhan và các đồng đội đã áp dụng chiến thuật gì để tối ưu hóa tính hiệu quả của tình huống ném biên?
Tăng cường gây sức ép ở hai biên để kiếm các quả phạt ném biên
Dấu ấn nổi bật trong lối chơi của Indonesia là các bài tấn công biên. Như đã phân tích trong bài viết trên thời báo VTV Times, Indonesia rất tích cực gây sức ép ở hai cánh để tranh thủ kiếm các quả phạt ném biên tạo nhiều cơ hội cho Arhan ném bóng vào khu vực cấm địa của đối thủ. Đối với Indonesia, đây là cách áp sát khung thành nhanh và hiệu quả nhất khi hàng công tỏ ra thiếu sáng tạo và bế tắc trong việc tiếp cận khung thành đối phương.
Trong những trận đấu gần đây của Việt Nam khi đối đầu Indonesia, các cầu thủ Việt Nam thường xuyên để đối thủ gây sức ép và có nhiều tình huống cản phá không quyết liệt hoặc không đủ độ tinh quái dẫn đến việc Indonesia liên tục được hưởng các quả phạt ném biên từ hai biên. Riêng ở trận đối đầu tại Asian Cup, đội tuyển Indonesia đã có tới 10 tình huống được hưởng phạt ném biên hai bên cánh của ĐTVN. Không phải ngẫu nhiên mà người hâm mộ Việt Nam rất nhớ hậu vệ biên Đoàn Văn Hậu khi anh từng cản phá hiệu quả mà vẫn hạn chế tối đa các tình huống phạt ném biên cho đối thủ ở cánh trái.
Indonesia chơi tấn công biên tốt và sẽ có sự trở lại của hậu vệ biên Asnawi, cầu thủ đã ghi bàn thắng duy nhất vào lưới ĐTVN trên chấm phạt đền tại Asian Cup 2023.
Cản trở đường di chuyển của thủ môn đối phương.
Rất nhiều đội tuyển đã hóa giải bài ném biên của ĐT Indonesia khi tận dụng tối đa lợi thế đôi tay của thủ môn. Tình huống ném biên của Arhan đều từng không phát huy hiệu quả khi trong khung thành đối phương là những thủ môn tinh quái, di chuyển linh hoạt và ra vào hợp lý hỗ trợ cho hàng phòng ngự bằng cách phán đoán chuẩn xác điểm rơi và bật cao dùng tay phá bóng.
Tại Asian Cup, ĐTVN cũng đã khiến những bài ném biên của Arhan trở nên vô dụng khi thủ thành Philip Nguyen có nhiều tình huống ra vào đón điểm rơi chuẩn xác hỗ trợ cản phá hiệu quả. Tuy vậy, trên sân Bung Karno, ĐTVN đã không có phương án bố trí phòng ngự hiệu quả dẫn đến bàn thua đáng tiếc. Trong tình huống này, thủ môn Philip Nguyen đã không ra vào dứt khoát để hỗ trợ cản phá bóng bổng khi Việt Anh bị hai cầu thủ cao lớn áp sát, Tấn Tài với chiều cao khiêm tốn phán đoán sai điểm rơi và bóng trôi về phía Minh Trọng.
Quan sát kỹ các tình huống ném biên của Arhan trước ĐTVN và các đối thủ khác, đội bóng của cầu thủ này nói riêng và ĐT Indonesia đều cắt cử một cầu thủ vệ tinh áp sát thủ môn đội bạn để "gây nhiễu" và ngăn cản đường di chuyển của thủ môn khi muốn ra vào tham gia hỗ trợ bóng bổng trên không. Trong trận đấu trên sân Bung Karno, không có cầu thủ nào của ĐTVN được cắt cử "cản phá" cầu thủ vệ tinh này của ĐT Indonesia để hỗ trợ cho thủ môn Philip Nguyen.
Nhà vô địch thế giới Argentina cũng phải vất vả cản phá các tình huống ném biên của Arhan nhờ sự xuất sắc, ra vào hợp lý của thủ thành Martinez. (Ảnh: Tribunnews)
Tận dụng chiều cao của "sếu vườn" trong tình huống bóng 1
Bên cạnh việc nhắm ném bóng thẳng vào cầu môn đối phương khi khoảng cách cho phép, Arhan thường tập trung nhắm đường bóng tới một hoặc nhiều "cây sào" được cài cắm sẵn trong khu vực cấm địa của đối phương. Khi Arhan dùng khăn lau bóng là khi các "sếu vườn" của ĐT Indonesia di chuyển dần vào khu cấm địa của đội bạn để làm "cầu nối" đánh đầu chuyển hướng đường bay của bóng gây nguy hiểm cho khung thành đối phương. Trong trường hợp các vệ tinh này không chạm được bóng thì dưới sức ép của họ, hậu vệ đội bạn trong quá trình cản phá cũng trở thành cầu nối bất đắc dĩ khiến đường bay của bóng rất khó đoán định cho thủ môn và hàng hậu vệ. Đội tuyển Nhật Bản đã nhận bàn thua từ quả ném biên của Arhan theo đúng kịch bản này. Những "cây sào" nổi bật trong đội hình của Indonesia phải kể đến Rizky Ridho, Baggott và mới nhất là hậu vệ nhập tịch Jay Ides có chiều cao lên tới 1m93.
Số đông cầu thủ chờ dứt điểm từ tình huống bóng 2
Khi tình huống bóng 1 không đe dọa trực tiếp tới khung thành đối phương, ĐT Indonesia cũng bày sẵn phương án B với số đông cầu thủ được triển khai để đón dứt điểm ở những tình huống bóng 2. Tại Asian Cup, ĐTVN đã có sự tập trung và cản phá hiệu quả phương án B này của Indonesia khi sắp xếp số đông quân số trong vòng cấm và cắt cử nhân sự 1 kèm 1 các cầu thủ Indonesia trong vòng cấm. Đáng tiếc là trong trận đấu trên sân Bung Karno, trong một phút thiếu tập trung, các cầu thủ Indonesia đã có nhiều khoảng trống khi hàng hậu vệ ĐTVN không được tổ chức tốt và tận dụng tối đa tình huống phá bóng 2 không dứt khoát của hậu vệ ĐTVN để kết liễu trận đấu với kịch bản tương tự.
ĐT Nhật Bản (áo xanh) cũng phải nhận bàn thua từ tình huống bóng 2 sau pha ném biên của Pratama Arhan tại Asian Cup 2023.
Thể lực sung mãn, sự tập trung và tinh thần quyết tâm cao độ của hung thần Prataman Arhan
Tên tuổi của Arhan đã trở thành một hiệu ứng trên toàn cầu với khả năng ném biên gây nhiều sát thương của anh. Để thực hiện được những tình huống ném biên bóng bay xa, cao và với tốc độ cao như một cú đá phạt đòi hỏi những tố chất đặc biệt từ cầu thủ này. Để thi triển được "chiêu thức võ công" của mình, Arhan có sự kết hợp hoàn hảo của phần cơ bắp ở hai chân, sự dẻo dai ở phần lưng và sức mạnh của hai cánh tay. Chỉ cần thiếu một trong ba yếu tố này, hiệu suất ném biên của Prataman Arhan sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Bên cạnh đó, những tình huống ném biên của Arhan cũng đòi hỏi nguồn thể lực sung mãn, sự tập trung và tinh thần quyết tâm cao độ giúp anh có thể thực hiện liên tục các tình huống ném bóng từ hai biên với cường độ cao.
Bên cạnh sự phối hợp sức mạnh đôi chân, dẻo dai phần lưng và sức mạnh hai tay, những quả ném biên của Arhan đòi hỏi thể lực sung mãn và sự tập trung cao độ.
Bên cạnh các tình huống ném biên của Pratama Arhan, ĐTVN cũng cần lưu ý đặc biệt tới những mối nguy hiểm tiềm tàng từ các cầu thủ mới nhập tịch của Indonesia mà thời báo VTV Times đã có những nhận định chi tiết trong bài phần 2 loạt bài "Giải mã chim thần Garuda".
Trận đấu trên sân Mỹ Đình sẽ đặc biệt khó khăn với đoàn quân của HLV Troussier. Trong một trận đấu sống còn quyết định cơ hội đoạt tấm vé vào vòng trong World Cup 2026, người hâm mộ Việt Nam kỳ vọng ĐTVN thi đấu tập trung, chính xác, hiệu quả. HLV Troussier và các học trò chắc chắn đã có nhiều thông tin và rút kinh nghiệm từ những trận đấu trước để khắc chế sức mạnh ĐT Indonesia và mang lại chiến thắng cho người hâm mộ nước nhà.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!