Sau chiến thắng với tỷ số tối thiểu từ chấm 11m trước ĐT Việt Nam, HLV trưởng Shin Tae-Yong và người hâm mộ Indonesia rất tự tin trước cơ hội ĐT Indonesia sẽ giành kết quả tích cực trong 2 lần đối đầu sắp tới với ĐT Việt Nam tại vòng loại World Cup 2026. Phong độ lên cao của các cầu thủ "nội địa" cùng với việc bổ sung một loạt hàng sao nhập tịch chất lượng và lợi thế được thi đấu lượt đi trên sân nhà trước sự cổ vũ cuồng nhiệt của hơn 80,000 khán giả trên sân vận động Gelora Bung Karno, sự tự tin của Indonesia đang dâng lên rất cao. Tuy nhiên, liệu đoàn quân của HLV Shin Tae-yong có thực sự là đội quân bất khả chiến bại và không có điểm yếu?
Hàng hậu vệ chắp vá, xoay trở chậm và thiếu gắn kết
Nhìn vào những cái tên nhập tịch của ĐT Indonesia đá vòng loại World Cup trước Irag và tại Asian Cup, đa phần người hâm mộ cảm thấy choáng ngợp trước những tên tuổi như Elkan Baggott (Bristol Rovers, Anh), Justin Hubner (Wolverhampton Wanderers, Anh), Jordi Amat (Johor Darul Ta'zim, Malaysia) và Sandy Walsh (KV Mechelen, Bỉ), bên cạnh các cầu thủ nội địa Indonesia đã xuất ngoại như Asnawi Mangkualam (Port FC, Thái Lan), Pratama Arhan (Suwon FC, Hàn Quốc).
Tuy nhiên, trong bóng đá, một đội hình toàn ngôi sao sẽ không phải là sự đảm bảo cho chiến thắng trên sân cỏ, đặc biệt ở hàng phòng ngự. Quan sát đội tuyển Indonesia thi đấu những trận gần đây, hàng hậu vệ của ĐT Indonesia cho thấy nhiều lỗ hổng bị các đối thủ khai thác triệt để.
HLV Shin Tae-yong vẫn đang đau đầu giải bài toán nhân sự khi hàng phòng ngự phối hợp không tốt và thường mắc sai lầm cá nhân dẫn tới các bàn thua không đáng có. (Ảnh: AP)
Trong hai lần đối đầu gần nhất với Irag, trong khi ĐT Việt Nam chỉ chịu thua trước ứng cử viên ngôi đầu bảng Irag trong bàn thua phút bù giờ trên sân vận động Hàng Đẫy và tại Asian Cup, Indonesia cũng có hai lần đối đầu với Irag nhưng nhận tới 8 bàn thua, với trận thua 1-5 trên sân khách tại vòng loại World Cup và 1-3 tại vòng bảng Asian Cup. Mặc dù đã sắp xếp đội hình 5-3-2 với 3 trung vệ, tuy nhiên đa phần các bàn thua của Indonesia đều đến từ sai lầm cá nhân của 3 trung vệ nhập tịch mang áo số 3,4,5.
Có chiều cao và thể hình lý tưởng, tuy nhiên các trung vệ Indonesia lại cho thấy thiếu sự gắn kết và bọc lót cho nhau cần thiết, thường xuyên dẫm chân lên vị trí của nhau khi bị đối phương gây sức ép trên phần sân nhà. Trung vệ số 3 Baggott đang chơi tại Anh, cao tới 1m96, chống bóng bổng rất tốt lại tỏ ra khá chậm chạp và không giỏi xoay trở trong phạm vi hẹp. Tại Asian Cup, ĐT Irag đã tập trung khoét sâu vào vị trí của Baggott và hiện thực hóa bằng bàn thắng mở tỷ số vào lưới đội tuyển Indonesia. Jordi Amat được HLV Shin Tae-yong tin dùng trao băng đội trưởng nhưng thường xuyên có sai lầm cá nhân dẫn đến những bàn thua ở thời khắc quan trọng của Indonesia, điển hình là tình huống tự đánh đầu phản lưới nhà trong trận Indonesia để thua 1-5 trước Irag và tình huống phạm lỗi trong vòng 16m50 dẫn đến quả phạt đền ở ngay phút thứ 3 trong trận thua 1-3 trước Nhật Bản tại vòng bảng Asian Cup.
Sở hữu trong tay hàng hậu vệ chắp vá và thiếu gắn kết, HLV Shin Tae-yong, một cựu trung vệ nổi tiếng một thời của đội tuyển Hàn Quốc, phải liên tục thay đổi nhân sự ở vị trí hàng phòng ngự. Mỗi trận đấu vị HLV này lại phải thay đổi vị trí trung vệ sau khi chứng kiến những sai lầm không đáng có ở những trận đấu trước. Trước phong độ không ổn định của Baggott, Jordi Amat và Rizky Ridho, nhiều trận đấu HLV Shin Tae-yong phải sắp xếp Sandy Walsh hay thậm chí là Justin Hubner (những cầu thủ có sở trường đá tiền vệ phòng ngự) xuống đá trung vệ để lấp vào lỗ hổng ở hàng phòng ngự.
Không phải ngẫu nhiên mà trong đợt tập trung lần này, HLV Shin Tae-yong phải đích thân sang tận trời Âu để nhanh chóng nhập tịch cho hậu vệ Jay Idzes thuộc biên chế CLB Venezia ở Serie B, hay Nathan Tjoe-A-On từ giải vô địch Hà Lan để bổ sung cho hàng phòng ngự của Indonesia. Tuy nhiên, việc hàng phòng ngự liên tục thay đổi nhân sự và không có nhiều thời gian chơi bên cạnh nhau chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng và tính ổn định ở cửa ngõ đường dẫn tới khung thành Indonesia.
Hàng tiền vệ phụ thuộc quá nhiều vào tài năng trẻ Justin Hubner
Điểm sáng trong lối chơi của Indonesia chính là cầu thủ trẻ Justin Hubner hiện đang là đội trưởng của đội U21 Wolverhampton, Anh. Anh là mẫu cầu thủ thi đấu thông mình, tràn trề năng lượng, không ngại va chạm, tranh chấp bóng tốt và cũng có nhiều tình huống tham gia tấn công hiệu quả, giúp Indonesia làm chủ tuyến giữa trong trận thắng Việt Nam tại Asian Cup vừa qua. Theo báo chí Indonesia, trung vệ Justin Hubner của ĐT Indonesia được cho là sẽ cập bến CLB Inter Miami của Lionel Messi.
Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, Indonesia thể hiện nhiều lỗ hổng ở hệ thống phòng ngự và Justin Hubner được coi như là cầu thủ "gánh team" của đội tuyển xứ vạn đảo. Khi đá ở hàng tiền vệ, anh liên tục di chuyển khắp mặt sân để vừa bảo vệ khu vực giữa sân, vừa tham gia kiến tạo cho các đồng đội phía trên, nhưng nhiều trường hợp phải lùi rất sâu để bọc lót cho hàng hậu vệ Indonesia. Thậm chí khi thấy hàng hậu vệ thi đấu không hiệu quả, cho dù là trước Irag, hay trong trận thắng ĐTVN, nhiều lần HLV Shin Tae-yong phải kéo Justin Hubner về đá trung vệ thòng, và gần nhất là trận gặp Nhật Bản tại Asian Cup.
Justin Hubner thi đấu xuất sắc trong màu áo Indonesia. Tuy nhiên, đây cũng là điểm yếu của đội tuyển xứ vạn đảo khi xung quanh cầu thủ này không có những vệ tinh chất lượng. (Ảnh: AFP)
Indonesia thể hiện sự phụ thuộc quá nhiều vào Justin Hubner. Hàng tiền vệ của Indonesia luôn mong manh dễ vỡ và mất đi lá chắn vững chãi ở khu trung tuyến khi "máy quét" Hubner phải lùi về chơi hậu vệ. Khi đối đầu với những đội bóng chơi tập thể bọc lót cho nhau tốt và khóa chặt cầu thủ này, đội tuyển Indonesia gần như mất đi tới một nửa sức mạnh do sự chênh lệch về chất lượng trong đội hình và không có những cầu thủ chất lượng hỗ trợ cho Justin Hubner.
Các phương án tấn công thiếu tính sáng tạo
Nhìn vào các trận đấu gần đây của đội tuyển Indonesia, ngoại trừ hai trận thắng đậm đội bóng hạt tiêu Brunei đều với tỷ số 6-0, ĐT Indonesia nhận số lượng bàn thua lớn trong khi tỷ lệ bàn thắng ghi được lại rất thấp với trung bình 1,2 bàn/trận (nhờ có hiệu số từ 2 trận thắng Brunei).
Con số thống kê cho thấy ĐT Indonesia có hiệu suất ghi bàn thấp và để thủng lưới nhiều bàn do những yếu kém ở hàng phòng ngự.
Theo quan sát của phóng viên thời báo VTV Times qua các trận đấu của đội tuyển Indonesia, có thể thấy ba nguyên nhân chính dẫn tới thành tích ghi bàn yếu kém của đội tuyển xứ vạn đảo.
Các bài tấn công của Indonesia không đa dạng và dễ bị hóa giải. Sau khi đoạt lại bóng từ đối phương hay khi triển khai tấn công, đa phần tuyến dưới của Indonesia tập trung phân phối bóng ra hai biên cho các cầu thủ tiền vệ cánh tốc độ là Marselino Ferdinan (7), Yakob Sayuri (2), Pratama Arhan (12) hay Egy Maulana Vikri (10). Đây là nhóm cầu thủ nhanh nhẹn, mạnh mẽ, tốc độ và thường xuyên bó vào trung lộ để hỗ trợ cho tiền đạo cắm Rafael Struick. Tuy vậy, điểm yếu của các cầu thủ này là chỉ chơi tốt khi có khoảng trống, thể hiện hạn chế khi chơi bóng trong phạm vi hẹp và khi bị đối phương pressing với số đông. Phương án tấn công này của Indonesia đã bị các đối thủ có kỷ luật chiến thuật như Nhật Bản và Irag hóa giải dễ dàng. Ngay cả trong trận đấu gặp ĐTVN tại Asian Cup, các cầu thủ Indonesia cũng chỉ có chiến thắng mong manh 0-1 trên chấm phạt đền từ sai lầm của hàng hậu vệ ĐTVN, chứ không có tình huống triển khai bóng đa dạng nào thực sự gây nguy hiểm thực sự cho khung thành của ĐTVN ngoại trừ các quả tạt cầu may từ hai biên.
Tiền đạo Rafael Struick vẫn tịt ngòi và mới chỉ có 1 pha kiến tạo thành bàn thắng trong trận Indonesia thua 1-5 trước Irag tại vòng loại World Cup 2026. (Ảnh: AFP)
Việc thiếu đi những phương án triển khai bóng từ tuyến dưới buộc Indonesia phải phụ thuộc nhiều vào tiền đạo cắm nhập tịch Rafael Struick. Khi các ngòi nổ hai biên bị khóa chặt, các cầu thủ Indonesia thường tập trung nhồi bóng lên cho số Rafael Struick để tận dụng khả năng tỷ đè, che chắn, xoay trở của cầu thủ này và chờ đợi các mũi tiến công khác dâng lên để nhả lại bóng. Phương án tấn công này được các đội bóng nhỏ ở V-League sử dụng thường xuyên để tận dụng tối đa thể hình của các ngoại binh trong các tình huống tuyến dưới không thể ban bật triển khai bóng lên phía trên. Ngoài việc có một số khoảnh khắc hiếm hoi tỏa sáng trong trận đấu gặp ĐTVN tại Asian Cup khi các trung vệ ĐTVN tỏ ra khá hiền lành, chơi không quyết liệt và bị tâm lý ở hiệp 1, Rafael Struick gần như không để lại dấu ấn nào rõ nét và tắt điện hoàn toàn khi Indonesia đối đầu với những đội bóng có hàng phòng ngự tỉnh táo, cơ bắp và bọc lót tốt như Irag, Nhật Bản hay Australia.
Rafael Struick cũng chưa thể hiện được nhiều trong màu áo Indonesia với kỹ năng dứt điểm chỉ tầm tầm bậc trung, không vượt trội so với nhiều chân sút xuất sắc của bóng đá Đông Nam Á. Điều này lý giải vì sao anh vẫn tịt ngòi và chỉ có 1 pha kiến tạo thành bàn thắng cho đội tuyển Indonesia. Việc phụ thuộc quá nhiều vào Rafael Struick mà không có các tiền đạo dự bị chất lượng cũng khiến cho Indonesia không có phương án dự phòng hiệu quả khi thế trận buộc phải dâng cao cần tìm bàn thắng hoặc trong trường hợp Rafael Struick không có phong độ tốt hoặc phải rời sân vì chấn thương.
Khi các phương án tấn công không đa dạng và thiếu tính sáng tạo, Indonesia phải dựa vào những tình huống bóng cố định để cầu may. Indonesia vẫn tiếp tục tận dụng các pha ném biên như đá phạt của cầu thủ Pratama Arhan (12). Mặc dù vậy, các đối thủ đã có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và có phương án đối phó nên trong loạt các loạt trận đấu gần đây gặp Irag, Việt Nam và Nhật Bản, Indonesia không ghi thêm được bất cứ bàn thắng nào từ những tình huống cố định vốn từng được coi là vũ khí sở trường này của đội tuyển xứ vạn đảo.
Phóng viên thời báo VTV Times trao đổi với tiền đạo Tiến Linh - "cơn ác mộng" với ĐT Indonesia theo đánh giá của giới truyền thông xứ vạn đảo. (Ảnh: Trường Hải/VTV Times)
Trên đây là một số nhận định của phóng viên Thời báo VTV Times về những vấn đề trong lối chơi của ĐT Indonesia trước hai trận tái đấu với ĐTVN. Mời quý độc giả tiếp tục đón xem các phần tiếp theo của loạt bài "Giải mã chim thần Garuda".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!