6 "chiếc xe buýt" cực khó chịu trong lịch sử bóng đá thế giới

M.N (dịch)Cập nhật 06:45 ngày 28/04/2014

Lối chơi của Chelsea có thể khiến nhiều người hâm mộ thứ bóng đá đẹp mắt phải “tức nổ đom đóm” tuy nhiên, khi sự hiệu quả, toan tính được đặt lên hàng đầu, nhiều đội bóng sẽ sẵn sàng lấy phòng ngự làm tiêu chỉ sống còn. Sau đây là những đội bóng từng thành danh trong lịch sử nhờ những “chiếc xe buýt”…

Có đội lấy tấn công làm phòng ngự, tuy nhiên cũng không ít những CLB vang danh nhờ “thở” bằng hàng phòng ngự - và Chelsea trong lần hành quân tới Anfield là một đội bóng như vậy.

Họ sẵn sàng dựng nên chiếc xe buýt hai tầng, chấp nhận làm đội “cửa dưới” để đổi lấy ba điểm ngay tại sân của đội bóng có hàng công mạnh nhất giải Ngoại hạng mùa này – Liverpool. Khi những toan tính chiến thuật được đặt trên cả tiêu chỉ tấn công hoa mỹ mà ông chủ Abramovich mong muốn thổi vào Chelsea, Mourinho và các học trò đã đạt được kết quả.

Chiến thắng ấy – và rất nhiều chiến thắng khác trước đây trong lần đầu tiên Jose Mourinho đến với sân Stamford Bridge, từng bị những người phản đối gọi là lối chơi “phản bóng đá”. Tuy nhiên, khi nào trái bóng còn lăn trên sân để tìm ra kẻ thắng và người thua, Mourinho vẫn cứ là thiên tài.

Tuy nhiên, Jose Mourinho lại không phải là người đầu tiên được biết đến, thành danh nhờ lối chơi thực dụng tới vô hồn. Trong quá khứ, không ít đội bóng thậm chí còn phòng ngự một cách toan tính và quyết liệt hơn The Blues của Mourinho rất nhiều. Và sau đây là những ví dụ điển hình nhất:

Argentina 1990

World Cup 1990 có thể xem như một kì World Cup tẻ nhạt nhất với những người hâm mộ bóng đá tấn công đẹp mắt và trong chờ những bữa tiệc bàn thắng tại giải đấu danh giá nhất hành tinh này. Thống kê cho thấy, trung bình chỉ khoảng 2.21 bàn thắng được ghi trong một trận đấu tại World Cup 1990 – và điều đó phần nào lý giải lý do vì sao Argentina có thể lọt vào tới tận trận chung kết giải đấu dù cho đạt tỉ lệ ghi bàn còn nhỏ hơn cả 1 bàn/trận

Bốn năm sau kỳ World Cup 1986 vang danh “Cậu bé vàng” Maradona – Argentina đã có sự chuyển mình mạnh mẽ từ một đội bóng chơi nghệ sĩ, hoa mỹ thành những kẻ kỷ luật, toan tính. Dưới thời HLV Carlos Bilardo khi đó, ĐTQG Argentina chỉ ghi được 5 bàn/7 trận tại World Cup 1990. Khi ấy, người ta từng gọi Argentina là “kẻ thù” của bóng đá tấn công.

Arsenal 1992-95

‘ Khẩu hiệu “Nhàm chán, nhàm chán Arsenal” trở nên rất nổi tiếng trong giai đoạn những năm đầu tiên của thập niên 90 thế kỷ trước. Các Pháo thủ dưới sự chỉ huy của HLV George Graham đã trình diễn một thứ bóng đá vô cùng thực dụng.

Ông Graham đến với Arsenal từ năm 1986 tuy nhiên mãi cho tới năm 1992, ông mới mạnh dạn quăng tư duy bóng đá tấn công vào sọt rác. Trong ba mùa bóng cuối cùng dẫn dắt The Gunners, số bàn thắng trung bình mà các học trò của ông ghi được trong một mùa giải chỉ là 40 – thấp hơn rát nhiều so với con số 66 bàn/mùa ở 6 mùa giải đầu tiên ông đến với sân Highbury.

Mặc dù, Graham chưa từng được tận hưởng niềm vui chiến thắng tại Premier League cùng Arsenal “phiên bản phòng ngự” tuy nhiên ông đã giúp đội bóng thành London này trở thành CLB đầu tiên giành cú đúp danh hiệu tại FA Cup và League Cup mùa giải 1993. Bộ tứ hậu vệ của Arsenal khi đó gồm Lee Dixon, Tony Adams, Steve Bould và Nigel Winterburn – đây được đánh giá là một trong những hàng phòng ngự mạnh nhất trong lịch sử các giải đấu của xứ sương mù.

Hy Lạp 2004

‘ Câu chuyện cổ tích về “chú bé tí hon” – Hy Lạp, vô địch giải đấu danh giá nhất lục địa già, đã thực sự trở thành hiện thực nhờ tài cầm quân của HLV Otto Rehhagel.

Vị chiến lược gia này nhận ra rằng đội bóng của ông còn lâu mới có thể được coi là đội bóng mạnh nhất tại giải đấu này và ông cũng chẳng có trong tay một cầu thủ đủ xuất sắc cáng đáng cả đội “vượt cạn”. Vì thế, ông xây dựng cho ĐTQG Hy Lạp khi ấy một lối chơi cực kì khó chịu – tử thủ, tử thủ… và tử thủ.

Đội bóng của Otto Rehhagel không hề ngần ngại phạm lỗi từ xa, cũng chẳng coi việc phải nhận thẻ là điều quá quan trọng. Điều quan trọng là các học trò của ông có thể giữ sạch mảnh lưới trước khi kết liễu đối thủ bằng những tình huống đánh đầu sau những pha phạt góc hay những quả phạt cố định.

Trước Jose Mourinho, Otto Rehhagel mới là người bị cả thế giới bóng đá “ném đá” vì lối chơi chẳng đẹp mắt. Nhưng “Mọi người cho rằng chiến thuật của tôi không hiện đại nhưng bóng đá hiện đại là thi đấu và giành chiến thắng” – Otto Rehhagel nói.

La Grande Inter

‘ Hay còn được biết đến như “Inter vĩ đại” là cách gọi trìu mến mà người hâm mộ cũng như giới truyền thông đặt cho nửa xanh đen thành Milan trong giai đoạn 1960. Khi ấy, Inter Milan đặc biệt nổi tiếng với lối chơi Catenaccio – phòng ngự tổng lực cực kỳ khó chịu.


Cố gắng có bàn thắng sau những pha phản công rồi lại lùi về đổ bê tông khiến cho cầu thủ đối phương tức điên nhưng vô phương ghi bàn là những gì làm nên thời kỳ đại thành công cho Inter Milan. Trong suốt thời kì tuyệt diệu đó, câu lạc bộ giành được 3 chức vô địch quốc gia vào các năm 1963, 1965 & 1966. Thành tích lớn nhất trong thập niên đó là việc Inter hai lần liên tiếp vô địch cúp các đội vô địch bóng đá quốc gia châu Âu (Cúp C1).

Rangers 2008

‘ Chuyển thể từ Catenaccio thành Watenaccio là cách người ta nhớ đến vị HLV Walter Smitth và các cộng sự của mình. Ở mùa giải 2007-08, đội bóng của vị chiến lược gia người Scotland đã trở thành đối thủ vô cùng khó chịu tại đấu trường châu Âu.

Lionel Messi khi ấy từng cay cú nhận định rằng: “Ranger không muốn chơi bóng. Họ tập luyện để phản bóng đá ngay từ phút đầu tiên” bóng lăn, sau khi Barcelona bị cầm chân bởi đội bóng của HLV Walter Smith tại Champions League mùa giải 2007/08.

Stoke 2008-2013

‘ Khi Jose Mourinho rời Premier League, Stoke mới chính là đội bóng chơi thực dụng nhất tại giải đấu danh giá số một lục địa già. Dưới thời HLV Tony Pulis, Stoke luôn được biết đến như đối thủ cực kì khó chịu với lối chơi phòng ngự cực kì khó chịu – và đặc biệt là những pha vào bóng, những tình huống va chạm cực “rát” từ các cầu thủ phòng ngự nơi đây.

Dù tiêu cực hay tích cực, không thể phủ nhận lối chơi của Tony Pulis đã đem niềm vui đến với sân Britannia khi họ liên tiếp trụ vững tại Premier League. Dẫu vậy, người hâm mộ nơi đây cũng như BLĐ CLB mong muốn nhiều hơn những sự sáng tạo trong lối chơi của Potters và đó là tiền đề cho sự ra đi của HLV Toni Pulis trong mùa hè năm ngoái.