Trong thời gian qua, CLB Hoàng Anh Gia Lai đã bị ảnh hưởng khá nhiều bởi vấn đề tài chính của tập đoàn.
Cách đây 1 tháng, thông tin về việc CLB HAGL nợ lương cầu thủ đã tràn ngập trên các mặt báo. Liên quan đến vụ việc này, ngày 22/3, trang báo điện tử Vietnamplus đưa ra thông tin: “Trưởng đoàn bóng đá CLB HAGL Nguyễn Tấn Anh xác nhận việc chậm lương cầu thủ và ban huấn luyện”.
Chưa dừng lại ở đó, trong suốt tuần qua lại rộ thêm thông tin về việc tập đoàn HAGL phải thế chấp khá nhiều tài sản. Trang báo điện tử Vietnamnet ngày 12/4 đã đăng tải bài viết với dòng tít “Bầu Đức cạn tiền: Thế chấp cả học viện bóng đá vay nợ”. Bài báo có viết, để ngân hàng chấp nhận những khoản vay này, HAGL đã phải thế chấp cả khu liên hợp học viên bóng đá.
Dù thực hư sự việc này như thế nào nhưng đây cũng là lời cảnh báo với bóng đá Việt Nam bởi đây không phải là lần đầu tiên một đội bóng được quản lý bởi một tập đoàn, một ông chủ bị ảnh hưởng vì vấn đề tài chính. Trước đó, CLB Vissai Ninh Bình, Hòa Phát Hà Nội, Navibank Sài Gòn đều đã giải thể vì những lý do khác nhau.
Về vấn đề này, ông Takana Koji - Trưởng giải V.League 2014 - đã rất ngạc nhiên khi các đội bóng Việt Nam liên tục giải thể: Tôi thực sự bất ngờ với một số đội bóng có ý định bỏ giải vì lý do kinh tế. Trong hơn 20 năm làm bóng đá chuyên nghiệp của Nhật Bản, tôi chưa bao giờ thấy có đội bóng nào bỏ giải do thiếu tiền. Các CLB Nhật Bản luôn được tài trợ bởi nhiều công ty, tập đoàn lớn và khi có 1 công ty gặp khó khăn kinh tế, các công ty còn lại vẫn dư sức giúp đội bóng tồn tài mạnh mẽ”.
16 năm trôi qua, các CLB Việt Nam vẫn loay hoay tìm mô hình nào để hoạt động cho hiệu quả. Rõ ràng bóng đá Việt Nam vẫn còn thiếu chuyên nghiệp bởi bóng đá chỉ chuyên nghiệp khi các đội bóng phải tự đứng trên chính đôi chân của mình.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.