Từng trải qua nghiệp cầu thủ và HLV nên Văn Thị Thanh thấu hiểu rất rõ những khó khăn của các nữ cầu thủ khi dấn thân vào nghiệp quần đùi áo số và cô cũng cảm thấy lo lắng cho tương lai của những cô học trò khi phải gác lại nghiệp học hành để theo đuổi niềm đam mê đá bóng.
HLV Văn Thị Thanh chia sẻ: “Sau khi giải nghệ, không nhiều người được theo nghiệp bóng đá. Tôi cũng chỉ mong người hâm mộ quan tâm tới bóng đá nữ nhiều hơn, các cấp, các nghành, các địa phương tạo điều kiện nhiều hơn để các cầu thủ có thể an tâm cống hiến”.
Ít ai có được may mắn như Văn Thị Thanh khi cô lại được tiếp tục gắn bó với bóng đá sau khi giải nghệ. Phải giải nghệ vì chấn thương, Nguyễn Thị Anh Đào đã quyết theo học Đại học, lấy bằng A của FIFA và tự mình mở sân cỏ nhân tạo, mở lớp dạy đá bóng cho trẻ em thành phố. Sau khi thành công, cô đã tạo cơ hội cho rất nhiều chị em cựu cầu thủ có việc làm.
Cựu cầu thủ Nguyễn Thị Anh Đào cho hay: “Bóng đá nữ khổ hơn bóng đá nam, ai cũng hiểu điều đó. Vì thế, khi có điều kiện các cầu thủ nữ cần phải đi học ngay, bởi ít ra có cái bằng và vốn liếng từ nghiệp cầu thủ sẽ giúp họ có cơ hội để xin việc làm".
Rõ ràng, giải quyết việc làm cho các chị em sau khi giải nghệ đã trở thành một vấn đề bức thiết cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa từ phía VFF với những định hướng cho các đơn vị, địa phương hay các nhà tài trợ. Thế nhưng, công việc này dường như bị bỏ ngỏ trong suốt thời gian qua.
Ông Trần Quốc Tuấn – Tổng thư kí VFF cho biết: “Chúng tôi cũng rất quan tâm đến vấn đề này, đã tạo điều kiện cho chị em đi học ĐHTDTT ngay sau khi giải nghệ, phối hợp với các doanh nghiệp cho chị em vào làm".
Nói thì bao giờ cũng dễ hơn làm, việc thực hiện của VFF đến đâu thì chắc là ai cũng rõ. Hy vọng VFF có những định hướng cụ thể hơn, những cam kết rõ ràng hơn để những cô bé đã trót yêu trái bóng tròn không phải nơm nớp lo sợ một ngày sẽ thất nghiệp sau khi giải nghệ.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.