Premier League: Phòng ngự thực dụng lên ngôi hay sự suy yếu của bóng đá tấn công?

Minh Nguyễn Cập nhật 15:29 ngày 11/11/2013

 Những đội bóng với chiến thuật “xe buýt 2 tầng" đang liên tiếp giành được những kết quả có lợi tại Premier League. Điều đó có cho thấy sự lợi hại của hệ thống phòng ngự triệt để hay phải chăng, là sự suy yếu của bóng đá tấn công ở giải đấu danh giá nhất xứ sở sương mù?

Trong lần đầu tiên tới với Premier League, Mourinho đã “nhuộm” cho Chelsea thứ bóng đá thực dụng triệt để vô cùng khó chịu. Cùng những khoản đầu tư “hàng khủng”, triết lý bóng đá của Ngài đặc biệt đã giúp The Blues bất ngờ vươn lên trở thành một thế lực lớn của bóng đá Anh, phá tan thế “song mã” của Arsenal và Man Utd.

‘ Học tập lối chơi từng bị coi là "phản bóng đá" của Mourinho, thầy trò HLV Alan Pardew đã 2 lần liên tiếp khiến các "ông lớn" như Chelsea hay Tottenham phải khóc hận

Lối chơi của Chelsea từng bị cho là “phản bóng đá”, Mourinho cũng bị rất nhiều người chê ghét. Nhưng ngược lại, chính vị chiến lược gia người Bồ Đào Nha này đã giúp Chelsea “no nê” danh hiệu trong thời gian ông in dấu ấn của mình lên The Blues.

Ở lần trở lại với sân Stamford Bridge này, Mourinho mang một sứ mệnh khác – đó là biến Chelsea trở thành một đội bóng với lối chơi tấn công quyến rũ. Và một loạt hảo thủ trên hàng công, có lẽ, đã đủ sức cho phép Mourinho và The Blues làm vừa lòng ông chủ Abramovich.

Tuy nhiên, từ những gì đã xảy ra tại Premier League, có thể thấy, Ngài đặc biệt – đại diện xuất sắc nhất của bóng đá phòng ngự phản công, dường như đang chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong khi, những “hậu bối” ở Premier League – những người đang học tập lối chơi thực dụng triệt để của ông, đang gặt hái được những kết quả tích cực nhất định.

Bóng đá thực dụng lên ngôi

Tuần trước, The Blues tới làm khách tại sân St James Park với vị thế của đội bóng "cửa trên". Nhưng trong một ngày các học trò của HLV Alan Pardew đã chơi cực kì chắc chắn. Họ không ngại va chạm và liên tiếp chủ động áp sát, khiến các hảo thủ của Chelsea phải lắc đầu ngao ngán và chấp nhận thất bại 2-0.

‘ Chelsea - "ông vua" của lối chơi phòng ngự đầy thực dụng, bất ngờ nhận lãnh thất bại trước "khối bê tông" - Newcastle - "biết mình, biết ta"

Ở vòng 11 mới đây, Chelsea tiếp tục nếm “trái đắng” trước West Brom sau khi người trợ lý cũ của Mourinho – Steve Clarke, lại duy trì lối đá thực dụng, phòng ngự triệt để cho đội khách. May mắn hơn trận trước, The Blues đã tránh được thất bại khi có quả penalty quý hơn vàng vào phút thứ 96. Tuy nhiên, khó có thể phủ nhận, lối chơi vô cùng khịu của West Brom, đã hạn chế rất nhiều sức mạnh của đội chủ nhà.

Hãy nói về Tottenham - một đội bóng tấn công có nét khác ở Premier League, từ sau vụ bán Bale, HLV Villas-Boas đã đưa được khá nhiều hảo thủ về với sân White Hart Lane. Và từ đội bóng "một người", Gà trống bắt đầu chuyển mình để trở thành một CLB chơi tấn công đồng đội, gắn kết hơn rất nhiều. Tuy nhiên, trong bối cảnh tham vọng của đội bóng khu Bắc London đang tăng cao, họ rốt cuộc cũng “về lại mặt đất” khi đụng độ Newcastle đầy thực dụng.

Thậm chí, ĐKVĐ Premier League – Man Utd, cũng vừa có màn trình diễn phòng ngự phản công đầy hiệu quả trước đối thủ lớn như Arsenal. Đội bóng của HLV Arsene Wenger đang bay cao tại giải Ngoại hạng cho đến khi có chuyến hành quân tới “hang Quỷ” Old Trafford. Như thể có “dớp”, The Gunners đã trình diễn một lối chơi hoàn toàn bế tắc trước Man Utd. Ở chiều ngược lại, Quỷ đỏ dưới thời HLV David Moyes cũng không còn có sự thanh thoát như phong cách phòng ngự phản công vốn thấy của họ khi Sir Alex còn ngồi “ghế nóng”. Một bàn thắng đến từ tình huống cố định để rồi chơi phòng ngự thực dụng là cách mà cựu HLV Everton lựa chọn để đưa “ông vua” của Premier League tới chiến thắng.

‘ Southampton đang trở thành hiện tượng của mùa giải năm nay với lối chơi phòng ngự triệt để

Ngoài ra, một cái tên nữa ở Premier League năm nay, cũng rất nổi bật cho lối chơi thực dụng đến khó chịu, chính là Southampton. Trước khi mùa giải bắt đầu, chẳng ai nghĩ đội bóng vốn chỉ được coi là lò đào tạo tài năng trẻ, vả lại, cũng không phải “tân binh” quá ấn tượng ở mùa giải 2012/13, hiện đang có được vị trí khiến nhiều CLB thèm khát – vị trí thứ 3 trên BXH sau 11 vòng đấu.

Thống kê cho thấy, tại Premier League Southampton đã thắng tới 6 trận, hoà 4 và lần cuối cùng trắng tay là trận thua trên sân của Norwich hồi đầu mùa giải. Thử thách không phải chưa từng đến khi họ lần lượt phải đối đầu với những đối thủ mạnh như Liverpool, Swansea hay Man Utd. Tuy nhiên, “hiện tượng” của mùa giải năm nay vẫn đứng vững và thậm chí còn cho The Kop hay đội chủ sân Liberty phải nếm mùi thất bại. Man Utd tuy không thua trước Southampton nhưng cũng chỉ xứng đáng giành được 1 điểm khi thể hiện sự bất lực trong phần lớn thời gian trận đấu diễn ra.

Tóm lại, dù còn quá sớm để khẳng định tuy nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng, bóng đá phòng ngự triệt để đang ít nhiều có chỗ đứng tại Premier League 2013/14.

Hay sự suy yếu của phong cách tấn công hoa mỹ?

Xét về mặt đội hình, những Chelsea, Tottenham hay Arsenal hiện tại có thể coi như các đại diện tiêu biểu nhất tại Premier League cho lối chơi tấn công hoa mỹ. Họ có những chân sút đẳng cấp (Eto’o, Torress, Giroud, Soldado, Defoe…) cùng hàng tiền vệ "chật trội" bởi các ngôi sao (Hazard, Mata, Oscar, Ozil, Ramsey, Wilshere, Andros Townsend, Christian Eriksen…).

‘ Real có thể chơi tấn công hay bởi họ sở hữu đội hình dày đặc các ngôi sao hàng đầu thế giới

Nhưng cái bóng đá Anh thiếu hiện nay chính là những cá nhân có thể gây đột biến. Chắc hẳn sẽ không ít CĐV Chelsea sẽ nhớ về những màn bứt tốc, những pha đột phá cực kì cực kì uy mãnh của Voi rừng Drogba. Trong khi đó, người hâm mộ Tottenham chắc khó có thể quên được bước chạy thần thánh và cú “dội bom” mang đậm phong cách của Gareth Bale. Hay như C.Ronaldo, liệu Manucians nào lại không biết về những gì anh đã cống hiến cho nửa đỏ thành Manchester?

‘ Man City vẫn đang gặp rắc rối trên con đường "Barca hoá" đội bóng

Trong thời buổi nhiều thế lực mới bắt đầu trỗi dậy, nước Anh không còn là điểm đến số 1 trong mắt nhiều hảo thủ làng túc cầu thế giới nữa. Bên cạnh đó, có thể, một phần lý do dẫn tới điều này là bởi sự khốc liệt của giải bóng đá hàng đầu xứ sở sương mù. Dễ nhận thấy, những pha gẫy chân hay chấn thương nặng thường xuất hiện ở Premier League nhiều hơn hết.

Ngoài ra, rõ ràng, xây dựng bóng đá tấn công có tiền thôi chưa đủ - phải có rất nhiều tiền! Nếu muốn kiểm chứng điều này, chúng ta cứ nhìn đội hình của Barcelona hay Real Madrid sẽ rõ. Không ít đội bóng đang ôm mộng theo bước 2 ông lớn tại La Liga này, ví dụ như Man City. Nhưng sự “nửa nạc, nửa mỡ” khiến The Citizens vẫn thi đấu “quả tắc quả tùng” bất chập việc hàng năm họ rót tiền vào thị trường chuyển nhượng không hề ít.

Và trên tất cả, một đội bóng với những con người thường thường bậc trung, hoàn toàn có thể chơi phòng ngự “đổ bê tông”. Tuy nhiên, ngược lại, CLB dám chơi tấn công thường phải rất tự tin với những tài năng sáng giá mà mình đang có trong tay. Khi bóng đá tấn công không “đến nơi, đến chốn”, chuyện thất bại là điều dễ xảy ra.