Từ chuyện CLB Hà Nội vào Nam, nhớ lại không khí bóng đá Thủ đô ngày trước

Ấn tượng Thể thao 7 ngàyCập nhật 18:14 ngày 03/04/2016

VTV.vn - Cách đây 2 thập kỷ, không khí quanh các SVĐ ở Hà Nội lại như một ngày hội vào mỗi cuối tuần, trái ngược với cảnh trống vắng trên các khán đài hiện nay.

Từ vòng 5 V.League, CLB Hà Nội chính thức đổi tên thành câu lạc bộ bóng đá Sài Gòn và chuyển trụ sở vào thành phố Hồ Chí Minh thi đấu. Đây là chuyện hy hữu và thực ra là không thể xảy ra trong một giải đấu chuyên nghiệp. Nhưng với một giải đấu bóng đá chưa chuyên nghiệp thì cũng là chuyện bình thường.

Sự chuyển đổi thương hiệu này không nói lên điều gì ngoài tình trạng bi đát của bóng đá nội tại những thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Người dân ở hai thành phố này không đủ quan tâm đến bóng đá để biến đây thành một chuyện gì đó quá quan trọng.

Các trận đấu ở mùa giải Hạng Nhất năm ngoái của CLB TP. Hồ Chí Minh thường xuyên diễn ra trong cảnh khán đài sân Thống Nhất trống vắng với khoảng 1000 người xem. Còn ở trận derby đầu tiên và duy nhất của 2 đội bóng Thủ đô sau rất nhiều năm diễn ra tại vòng 2 của V.League năm nay, khán giả vỏn vẹn đúng 4000 người.


Trận derby Hà Nội sau nhiều năm tại V.League 2016 đã không thể thu hút đông NHM Thủ đô như 20 năm về trước (Ảnh: Tạ Hiển/VTV News)

Trận derby Hà Nội sau nhiều năm tại V.League 2016 đã không thể thu hút đông NHM Thủ đô như 20 năm về trước (Ảnh: Tạ Hiển/VTV News)

Nhìn lại 20 năm trước,chuyện này không thể xảy ra ở Hà Nội. Cách đây 2 thập kỷ, vào mỗi một trận cầu đinh vào dịp cuối tuần là không khí xung quanh sân Hàng Đẫy hay Cột cờ lại như một ngày hội. Việc kiếm được vé vào sân khó chẳng kém gì mua vé xem đội tuyển quốc gia thi đấu giải lớn bây giờ.

Nhiều nhà chuyên môn đã cố gắng giải thích cho không khí bóng đá cuồng nhiệt trong quá khứ. Đó là những đội bóng có truyền thống như Công an Hà Nội hay CLB Thể Công với lối chơi đầy bản sắc được tạo nên bởi qui trình đào tạo khéo kín và gần như không có chuyện chuyển nhượng rộng rãi như ngày nay. Bên cạnh đó không thể không thể không kể đến những cái tên đầy cá tính mà hầu như đội nào cũng có.

Nếu lùi xa thêm 20 năm nữa, bóng đá còn hơn một môn thể thao mà còn là một món ăn tinh thần, là điều không thể thiếu trong cuộc sống.

Ngày nay bóng đá có thể chất lượng hơn với việc mở cửa cho cầu thủ ngoại. Nhưng dòng luân chuyển cầu thủ chạy theo dòng tiền bỏ ra của các ông bầu đã khiến những gì gọi là bản sắc phai nhạt đi nhiều. Bên cạnh đó, ngày nay, đời sống giải trí vô cùng đa dạng ở các đô thị lớn đã khiến cho bóng đá vốn trì trệ nay càng bị tụt hậu khá xa trong cuộc cạnh tranh giành khán giả​.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.