Chưa có một số liệu thống kê nào thực sự chính xác nhưng chỉ cần điểm qua thành tích của TTVN ở một số sự kiện lớn như SEA Games hay ASIAD, có một thực tế là các VĐV nữ thường giành thành tích tốt hơn so với các VĐV nam. Điều đặc biệt khác là không hiếm trong số đó là những VĐV đã lập gia đình và có con, tức là họ vừa phải thực hiện nghĩa vụ quốc gia, vừa phải đảm bảo thiên chức của một người vợ, người mẹ trong gia đình.
Theo những số liệu thống kê, thành phần các nữ VĐV góp mặt trong tổng số các ĐT thể thao quốc gia thường chiếm tỉ lệ gần 60% trong khi số VĐV nam chỉ là trên 40%. Điều này được lý giải là do thành tích gần đây của các nữ VĐV của Việt Nam thường tốt hơn các nam VĐV, đặc biệt ở các sự kiện mà TTVN góp mặt với số lượng lớn như SEA Games hay các giải Châu lục và Thế giới.
Đơn cử như tại SEA Games 28 vừa qua, trong tổng số 186 huy chương các loại mà TTVN giành được, có trên 100 HC đến từ các nữ VĐV, còn trong tổng số 73 tấm HCV, số HCV mà các nữ VĐV mang về là 40, chiếm tỉ lệ khoảng 55%.
Nhưng điều thú vị hơn là trong thành phần các ĐT thể thao quốc gia hiện nay, cứ trung bình 10 VĐV nữ thì có 1 VĐV đã lập gia đình, chiếm tỉ lệ 10%. Không khó để kể ra một vài cái tên tiêu biểu, như Đỗ Thị Thảo, Bùi Thị Thu Thảo ở môn điền kinh, Trần Thị Len môn đấu kiếm hay rất nhiều gương mặt từng là thành viên ở các ĐTQG Bóng chuyền hay Bắn súng… hiện vẫn đang thi đấu.
Với những nữ VĐV này, ngoài trọng trách trên vai là nghĩa vụ quốc gia, họ còn có thiên chức của một người phụ nữ trong gia đình - một người vợ, một người mẹ - và tất nhiên, để gắn bó và thành công với thể thao đòi hỏi ở họ một nghị lực phi thường. Cũng đã có không ít trường hợp sau khi lập gia đình đã không thể tiếp tục theo nghiệp thể thao, vì vậy, với những ai vẫn còn tiếp tục cống hiến và gặt hái thành công, hãy dành cho họ những lời thán phục.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.