Đua xe F1: Những điều thú vị về hệ thống DRS

Thế Vũ (VTV Sports)Cập nhật 16:49 ngày 20/08/2019

VTV.vn - Hệ thống DRS là một phần không thể thiếu trên một chiếc xe F1, thế nhưng, DRS không chỉ là hệ thống giúp tay đua vượt mà nhiều người thường nghĩ.

DRS (Drag Reduction System) là một hệ thống giảm lực cản và giảm lực bám đường downforce trên xe F1 được đặt ở cánh gió sau. Hệ thống này được FIA đưa vào sử dụng từ mùa giải năm 2011 sau khi ban tổ chức F1 lo lắng về khả năng các xe vượt nhau trên đường đua. Đặc biệt ở mùa giải năm 2010, đã có nhiều trường hợp các xe không thể vượt qua nhau, qua đó tạo nên một cuộc đua nhàm chán.

Mỗi đường đua F1 sẽ có từ 2 đến 3 điểm dùng được DRS, thông thường các điểm kích hoạt DRS sẽ ở các đoạn đường thẳng để giúp các tay đua có cơ hội vượt dễ hơn khi tiến vào khúc cua. Thế nhưng, luật dùng DRS sẽ có sự khác biệt giữa chạy thử, phân hạng và chặng đua chính.

Đua xe F1: Những điều thú vị về hệ thống DRS - Ảnh 1.

Các điểm kích hoạt và sử dụng DRS (màu tím) tại đường đua Marina Bay ở Singapore

Ở trong buổi chạy thử và phân hạng, các tay đua được quyền dùng DRS tại điểm dùng bất cứ lúc nào. Thế nhưng ở chặng đua chính, các tay đua chỉ được kích hoạt hệ thống DRS khi khoảng cách giữa xe đằng trước chỉ là 1 giây. Hệ thống sẽ được kích hoạt trong chặng đua sau vòng đua thứ 2 (và 2 vòng đua sau khi kết thúc việc điều tiết xe an toàn). Ngoài ra, DRS sẽ không được kích hoạt trong điều kiện trời mưa, chỉ khi nào tổ trọng tài thấy đường đua đã khô thì hệ thống DRS mới được kích hoạt trở lại.

Khi hệ thống DRS kích hoạt, cánh tà ở cánh gió sau sẽ mở ra khe hở tới 85mm, qua đó giúp chiếc xe giảm thiểu lực cản của gió và tốc độ sẽ tăng lên từ 10-15 km/h.

Đua xe F1: Những điều thú vị về hệ thống DRS - Ảnh 2.

Cơ cấu hệ thống DRS trên xe F1

Không những vậy, DRS không chỉ giúp tay đua vượt mà còn giúp cân bằng cuộc đua. Vấn đề nhận ra từ mùa giải năm 2010 cho thấy các xe đằng sau không thể vượt được do đi vào luồng khí nhiễu động của xe đằng trước. Chiếc xe đằng sau sẽ mất đi 45% lực ép, qua đó không thể bám đường tốt như xe đằng trước và sẽ mất đi nhiều thời gian hơn. Cho nên, hệ thống DRS được dùng để cân bằng lợi thế cho xe đằng sau để kéo lại thời gian đã mất với xe chạy trước.

Đua xe F1: Những điều thú vị về hệ thống DRS - Ảnh 3.

Việc không thể vượt được xe đằng trước chính là yếu tố khiến Fernando Alonso mất đi chức vô địch thế giới vào năm 2010 tại chặng đua GP Abu Dhabi

Cho dù nhận được những phản ứng trái chiều từ các tay đua và người hâm mộ, không thể phủ nhận được việc hệ thống DRS giúp chặng đua thêm phần hấp dẫn.