Những tấm HCV, HCB của Hoàng Xuân Vinh hay một số huy chương khác trước đó như HCB Cử tạ của Hoàng Anh Tuấn, HCĐ Cử tạ của Trần Lê Quốc Toàn và HCB của Trần Hiếu Ngân môn Taekwondo chỉ là những điểm sáng cho thấy hiệu quả của quá trình đầu tư trước đó. Thất bại tại Olympic Tokyo 2020 một lần nữa cho thấy rõ điều này.
Tại Olympic Tokyo 2020, 18 suất tham dự Olympic đã phản ánh đúng tương quan về trình độ của thể thao Việt Nam tại Olympic. Các vận động viên của Việt Nam đến Olympic theo các con đường khác nhau: Nguyễn Huy Hoàng đến Olympic bằng chuẩn A và kết quả thi đấu của Huy Hoàng cũng đã thể hiện rõ điều đó. Một nhóm các vận động viên khác đến Olympic bằng con đường tích điểm và một số vận động viên khác đến Olympic bằng vé mời dành cho các môn không có vận động viên qua vòng loại như: Điền kinh, Bơi và Bắn súng. Điều đó cho thấy, khoảng cách của thể thao Việt Nam với đấu trường Olympic vẫn còn khá xa.
Thực tế, thể thao Việt Nam chưa từng sẵn sàng cho việc cạnh tranh huy chương ở Olympic. Những tấm huy chương trước đó mà chúng ta giành được do sự xuất thần của các vận động viên, mang tính thời điểm chứ không phải là một sự đầu tư có quy mô bài bản. Bởi lẽ, vận động viên được đầu tư quy mô bài bản nhất là Ánh Viên lại không đạt thành tích như kỳ vọng. Nói đúng hơn, những nhà quản lý đã để căn bệnh thành tích ở SEA Games chi phối quá nhiều khiến cho Ánh Viên đã không thể phát triển như khi còn ở dạng tiềm năng như 7 năm trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!