Năm 2016 là một năm thành công của thể thao Việt Nam trên đấu trường khu vực cũng như quốc tế. Đặc biệt phải kể đến tấm huy chương vàng lịch sử của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio 2016 hay tấm HCV của lực sĩ Lê Văn Công tại Paralympic Rio.
Cùng với đó, năm 2016 cũng đánh dấu sự trưởng thành của những nhân tố trẻ khi đội tuyển U19 Việt Nam giành quyền tham dự vòng chung kết giải vô địch bóng đá U20 Thế giới tại Hàn Quốc; đội tuyển điền kinh khẳng định được vị thế tại giải vô địch Điền kinh trẻ châu Á hay kình ngư Ánh Viên phá kỷ lục tại giải Vô địch bơi châu Á.,v.v...
Từ những thành công trong năm 2016, thể thao Việt Nam hy vọng sẽ tiếp tục đạt được những thành tích cao trong năm 2017. Để có cái nhìn tổng quan về những thành tích trong năm 2016 cùng những mục tiêu và sự chuẩn bị của thể thao Việt Nam trong năm 2017, Báo điện tử VTV News đã có cuộc trò chuyện đặc biệt với Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Vương Bích Thắng nhân dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu.
PV: Thưa ông, trong năm 2016, thể thao Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu nổi bật, tạo tiếng vang lớn trong dư luận. Dưới góc nhìn của một nhà quản lý thể thao, ông có đánh giá như thế nào về thể thao Việt Nam năm qua?
Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng: Trong năm 2016, có thể khẳng định thể thao Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng khen ngợi.
Thể thao thành tích cao tiếp tục có những tiến bộ rất phấn khởi. Lần đầu tiên VĐV của chúng ta đã giành được huy chương vàng tại cả Olympic và Paralympic cũng như nhiều thành tích tại các giải thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới. Các đội tuyển bóng đá Futsal, U19 thi đấu đạt kết quả tốt; một số giải thể thao chuyên nghiệp (ở các môn bóng rổ, golf...) được tổ chức có chất lượng cao; Đại hội thể thao bãi biển Châu Á lần thứ 5 được tổ chức tại Việt Nam thành công tốt đẹp. Hợp tác quốc tế về thể dục thể thao được tăng cường, mang lại hiệu quả thiết thực cho thể thao nước nhà. Thể thao Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào các tổ chức thể thao thế giới.
Phong trào tập luyện thể dục thể thao quần chúng gắn với Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và "Chương trình xây dựng nông thôn mới" diễn ra sôi nổi, rộng khắp trên cả nước, thu hút hàng triệu người tham gia.
Có thể nói năm 2016 là năm thành công của thể thao Việt Nam.
Năm 2016 được đánh giá là năm thành công của thể thao Việt Nam
Thời gian qua, Đài Truyền hình Việt Nam đã mang đến cho khán giả những hình ảnh chân thực của các đoàn thể thao Việt Nam khi tham dự các đấu trường quốc tế lớn như Olympic Rio 2016, AFF Suzuki Cup 2016, Đại hội thể thao bãi biển châu Á 2016… Ông nhận xét gì về vai trò của Đài Truyền hình Việt Nam nói chung và Ban sản xuất các chương trình thể thao nói riêng trong sự phát triển của thể thao Việt Nam trong năm qua?
- Lời đầu tiên tôi xin gửi lời cảm ơn tới Đài Truyền hình Việt Nam đã luôn đồng hành cùng thể thao Việt Nam trong thời gian qua. Tính thời sự là yêu cầu không thể thiếu được của báo chí, song Truyền hình là phương tiện thông tin đại chúng hiện đại, có khả năng cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời và rộng rãi trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Trong lĩnh vực thể thao, Đài Truyền hình Việt Nam đã có nhiều chương trình hấp dẫn phản ánh tương đối đầy đủ về các hoạt đồng thể thao.
Qua sóng truyền hình trực tiếp, người hâm mộ Việt Nam đã có thể thưởng thức một cách chi tiết những trận cầu hay, những pha bóng đẹp, những bồn chồn lo âu rồi lại vỡ òa sung sướng khi các VĐV của chúng ta giành chiến thắng tại các đấu trường thể thao quốc tế.
Bên cạnh đó, VTV đã góp phần quảng bá, khích lệ động viên và vinh danh kịp thời những thành tựu của thể thao nước nhà. Đài Truyền hình Việt Nam cũng đã phản ảnh đời sống sinh hoạt của trọng tài, HLV, VĐV các đội tuyển thể thao trên toàn quốc, đồng thời chỉ ra những hạn chế mà thể thao Việt Nam cần khắc phục.
Năm 2017 tiếp tục là năm quan trọng của thể thao Việt Nam. Thưa ông, các nhiệm vụ trọng tâm của thể thao Việt Nam sẽ là gì?
- Năm 2017, ngành Thể dục thể thao sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế để đẩy mạnh phát triển phong trào thể dục thể thao trong các đối tượng và địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh doanh, dịch vụ thể dục thể thao, phát triển thể thao chuyên nghiệp.
Về thể thao thành tích cao phải tiếp tục nâng cao thành tích của các môn thể thao trọng điểm, chuẩn bị lực lượng vận động viên phấn đấu thi đấu đạt thành tích cao, trong các quốc gia đứng đầu tại SEA Games 29 để chuẩn bị cho ASIAD 18 năm 2018 và Olympic 32 năm 2020, tập trung tập huấn các đội tuyển bóng đá U22, U20 Việt Nam và các đội tuyển khác để đạt được thành tích tốt tại SEA Games 29 và Vòng chung kết giải bóng đá U20 thế giới; chỉ đạo thí điểm xây dựng các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp ở một số môn thể thao đủ điều kiện như Boxing, Vật, Bóng bàn; tăng cường công tác truyền thông và giáo dục đạo đức, văn hóa cho đội ngũ huấn luyện viên, trọng tài, vận động viên thể thao; đẩy mạnh công tác phòng chống các biểu hiện tiêu cực, bao lực trong hoạt động thể thao, nhất là trong hoạt động tổ chức thi đấu bóng đá.
Về thể thao quần chúng sẽ tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng Cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, tập trung phát triển thể thao học đường, triển khai chương trình Bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho trẻ em.
Người hâm mộ Việt Nam hiện đang rất chờ đợi một sự kiện thể thao trong năm nay, đó là SEA Games 29. Vậy chúng ta đã đặt mục tiêu như thế nào tại kỳ đại hội sắp tới, thưa ông?
- Trong Hội nghị tổng kết công tác Văn hóa, Thể thao, Du lịch năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng đưa ra các mục tiêu phấn đấu cần hướng đến của từng lĩnh vực. Trong đó, đối với thể thao, Bộ trưởng cho rằng, tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, năm 2017 thể thao Việt Nam phải phấn đấu đứng trong top đầu các quốc gia tham dự SEA Games 29, chuẩn bị cho tiền đề Asian Games 2018.
Được tổ chức từ ngày 19 - 31/8/2017, SEA Games 29 tại Malaysia sẽ có 38 môn và 405 nội dung. Đoàn thể thao Việt Nam dự kiến sẽ tham gia 32 môn và phân môn với khoảng 270 nội dung. Chúng ta cũng gặp những khó khăn nhất định khi nước chủ nhà khi Malaysia không đưa vào danh sách thi đấu một số môn thế mạnh như Đua thuyền, Canoeing, Thể hình, Vật hay Vovinam. Bên cạnh đó, một số nội dung dành cho nữ ở các môn như Boxing và Cử tạ không được nước chủ nhà Malaysia lựa chọn. Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn đó, đoàn thể thao Việt Nam phấn đấu giành vị trí trong top 3 tại SEA Games 29, đặc biệt cần phải đạt kết quả tốt tại các môn thể thao Olympic như điền kinh, bơi lội, thể dục, kiếm, bắn súng...
Đoàn thể thao Việt Nam đặt mục tiêu giành vị trí trong top 3 đoàn dẫn đầu
Để thực hiện được mục tiêu đứng trong top 3 đoàn dẫn đầu tại SEA Games 29, ngành thể thao Việt Nam đã có sự chuẩn bị như thế nào cho sự kiện thể thao lớn nhất khu vực này?
- Tổng cục Thể dục thể thao đã lên kế hoạch chi tiết và cụ thể để chuẩn bị cho SEA Games 29.
Về công tác chuẩn bị lực lượng, thông qua việc xác định các môn, nội dung thi mà khả năng Việt Nam tham dự đại hội có thể giành huy chương để tuyển chọn vận động viên tổ chức tập huấn các vận động viên xuất sắc, huấn luyện viên giỏi có kinh nghiệm và thuê chuyên gia nước ngoài có trình độ chuyên môn cao.
Tổng cục Thể dục thể thao chỉ đạo các đội tuyển tập trung tập huấn tại các nước có nền thể thao phát triển, có truyền thống và đảm bảo tốt các điều kiện cho các đội tuyển tập luyện nâng cao thành tích, như tại: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Kế hoạch thi đấu nước ngoài chủ yếu dành cho các đội, các vận động viên trọng điểm và thuộc nhóm các môn giành huy chương, đối với những môn thể thao cơ bản thì trình độ phải tiệm cận trình độ ASIAD và Olympic.
Các đội tuyển sẽ lựa chọn và thuê chuyên gia có trình độ cao cho một số môn, nội dung giành huy chương, đặc biệt là huy chương vàng các môn: Điền kinh, Thể dục dụng cụ, Bắn súng, Taekwondo, Boxing nữ, Karatedo, Đấu kiếm, Judo, Xe đạp, Bắn cung, Wushu, Bơi, Cử tạ, Fusal, Cầu lông.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ trong huấn luyện và đào tạo nhằm nâng cao thành tích cho VĐV; chỉ đạo các Trung tâm HLTT Quốc gia xây dựng kế hoạch mua sắm trang thiết bị, dụng cụ tập và thi đấu chuẩn nhằm tạo môi trường tốt nhất trong tập luyện và thi đấu.
Tổng cục Thể dục thể thao sẽ tiếp tục hoàn thiện văn bản, báo cáo Bộ để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định, điều chỉnh một số chế độ đối với HLV, VĐV thể thao nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho HLV, VĐV an tâm tập luyện.
------------------------------------
Nhân dịp đầu xuân năm mới Đinh Dậu, thay mặt lãnh đạo ngành thể thao, Tôi xin gửi tới Đài Truyền hình Việt Nam và Báo điện tử VTV News lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Tôi mong muốn VTV sẽ tiếp tục đồng hành cùng thể thao Việt Nam trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện đặc biệt này. Đầu xuân năm mới, xin chúc ông cùng đội ngũ cán bộ, trọng tài, VĐV, HLV và ngành thể thao có nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui, đạt được nhiều thành tích ấn tượng trong năm Đinh Dậu.