Thể thao Việt Nam sẽ vững mạnh hơn nữa trên đấu trường quốc tế

Theo TTXVNCập nhật 22:47 ngày 30/01/2017

VTV.vn - Công cuộc đầu tư trọng điểm, bài bản của thể thao Việt Nam đã đạt được thành tích đáng nể trong thời gian qua.

Năm 2016 được coi là năm thành công của thể thao Việt Nam trên các đấu trường quốc tế. Có thể kể ra hàng loạt thành tích mà thể thao Việt Nam đã đạt được trong năm qua, nổi bật nhất là tấm huy chương Vàng danh giá của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại đấu trường Olympic Rio 2016. Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy, thể thao nước nhà đang dần khẳng định mình, và sẽ vững vàng hơn trên đấu trường quốc tế nhờ sự tự chuyển biến mạnh mẽ, rút kinh nghiệm sâu sắc sau những thất bại ở đấu trường Olympic...

* Từ những bài học lịch sử

Trải qua 70 năm phát triển và trưởng thành, với những chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Thể thao Việt Nam luôn giữ vị trí quan trọng góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Thể thao cũng đóng vai trò quan trọng trong xây dựng lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đóng góp vào công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước; mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế...

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Vương Bích Thắng, trước đây, thể thao nước nhà chủ yếu tập trung cho đấu trường khu vực Đông Nam Á, nhất là SEA Games và đầu tư dàn trải ở nhiều môn thể thao. Chính vì vậy , thể thao Việt Nam luôn đứng trong tốp 3 trên bảng xếp hạng huy chương tại các kỳ SEA Games. Điều này cũng có nghĩa là ở khu vực Đông Nam Á, năng lực của thể thao Việt Nam đã được khẳng định. Tuy nhiên, tại một đấu trường đẳng cấp thế giới như Olympic, thể thao Việt Nam vẫn chưa có chỗ đứng vững chắc.

Kinh nghiệm rút ra từ SEA Games 26 diễn ra tại Indonesia năm 2011, đoàn thể thao Việt Nam đứng ở tốp 3 và xuất sắc giành tổng cộng 96 huy chương Vàng, vượt xa chỉ tiêu đề ra. Một năm sau đó, thể thao Việt Nam tham dự Olympic London năm 2012 với số lượng vận động viên đông nhất từ trước tới nay (18 người), nhưng lại không giành được bất cứ huy chương nào. Thậm chí, tại Olympic 2012, thể thao Việt Nam còn xếp sau Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Singapore. Như vậy, có thể thấy sự chênh lệch thành tích, trình độ chuyên môn giữa hai đấu trường SEA Games và Olympic là khá lớn.

Từ những bài học xương máu đó, thể thao nước nhà đã dần tìm ra hướng đi mới, đầu tư trọng tâm, bài bản. Từ năm 2014, Tổng cục Thể dục Thể thao đã xác định những nhóm môn trọng điểm để đầu tư dài hạn gồm: Bơi, Điền kinh, Bắn súng, Đua thuyền, Quyền anh nữ, Cầu mây, Wushu, Taekwondo, Karatedo, Judo, Cử tạ, Thể dục dụng cụ, Vật, Bắn cung, Đấu kiếm. Đến năm 2015, ngành thể thao nước nhà đẩy mạnh phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng trên địa bàn cả nước, tiếp tục nâng cao thành tích các môn thể thao trọng điểm theo hướng tiếp cận với thành tích của châu lục và thế giới.

Với những chủ trương đó, Thể thao Việt Nam bước đầu đã thu được những kết quả khả quan, có một lớp thế hệ trẻ đầy tài năng, có thành tích ấn tượng ở các đấu trường khu vực, châu lục và thế giới như Nguyễn Thị Ánh Viên (Bơi lội), Lý Hoàng Nam (Quần vợt), Nguyễn Thị Huyền (Điền kinh)...

* Vươn ra đấu trường quốc tế

Công cuộc đầu tư trọng điểm, bài bản của thể thao Việt Nam đã đạt được thành tích đáng nể. Trong năm 2015, Việt Nam thi đấu thành công tại các giải đấu quốc tế, mang về cho nước nhà với 457 huy chương Vàng, 355 huy chương Bạc và 321 huy chương Đồng. Trong đó, SEA Games 28 là cánh cửa để đưa thể thao nước nhà đến với đấu trường Olympic danh giá. Có thể nói, t hể thao Việt Nam đã tạo ra một cơn địa chấn trong làng thể thao khu vực khi liên tiếp đạt kỷ lục: Số huy chương Vàng đạt được ở các môn Olympic nhiều nhất; phá nhiều kỷ lục SEA Games nhất; số lượng vận động viên tham dự ít nhất nhưng thành tích lại tốt nhất...

Đến năm 2016, thể thao nước nhà lại tiếp tục ghi dấu ấn đậm nét trên bảng vàng thành tích thế giới. Lần đầu tiên xạ thủ Hoàng Xuân Vinh xuất sắc giành 1 huy chương Vàng và 1 huy chương Bạc ở môn bắn súng tại Olympic Rio 2016. Đây là kỳ tích có ý nghĩa lịch sử đối với thể thao nước nhà.

Ngoài ra, năm 2016, thể thao nước nhà cũng đón nhận hàng loạt tin vui khi lần đầu tiên đội tuyển Futsal Việt Nam giành vé trực tiếp tham dự Vòng Chung kết Futsal thế giới 2016 khi đánh bại đương kim vô địch Nhật Bản trong trận tứ kết giải Futsal châu Á 2016. Lần đầu tiên đội tuyển bóng đá trẻ U19 Việt Nam giành vé dự World Cup U20 sẽ diễn ra tại Hàn Quốc vào năm 2017 khi đánh bại chủ nhà U19 Bahrain…

Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Vương Bích Thắng khẳng định: Để thể thao nước nhà tiếp tục phát triển bền vững, trong thời gian tới, ngành sẽ đề xuất ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách về thể dục thể thao nhằm nâng cao sức khỏe, tầm vóc con người Việt Nam, tăng tuổi thọ và cải thiện chất lượng giống nòi. Ngành thể dục thể thao cũng góp phần quan trọng thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế, mở rộng hợp tác, đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đối ngoại nhân dân; quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế...

Hiện nay, đời sống kinh tế nước ta đã khá hơn trước, nhiều môn thể thao dần được chuyên nghiệp hóa; thể thao thành tích cao dần tiếp cận với phương pháp tập luyện, thi đấu hiện đại và trình độ khu vực. Không ít môn thể thao có tính truyền thống, nhất là võ thuật đã phát triển mạnh và rộng, trở thành môn thể thao được yêu thích, được đưa vào thi đấu ở các nước, trong các giải khu vực và thế giới. Do đó, ngành sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng, đặc biệt là trong thanh thiếu niên, học sinh. Song song với đó là đầu tư và phát triển các môn thể thao trọng điểm, hướng tới những mục tiêu xa hơn, cao hơn và chắc chắn hơn.