Đây là kết quả nghiên cứu mới nhất của những nhà khoa học tại Đại học Beihang, Trung Quốc.
Đến nay, châu Phi là khu vực có số ca nhiễm COVID-19 ít nhất trong các châu lục. Chưa có lý giải cụ thể cho số ca nhiễm thấp ở châu Phi nhưng WHO khẳng định, không có chuyện giấu dịch. Để lý giải nguyên nhân về tình trạng này, có một giả thuyết mà các nhà khoa học nêu ra, đó là khí hậu nóng của châu Phi có thể khiến dịch COVID-19 khó lây lan.
Để đánh giá sự lây nhiễm của bất cứ dịch bệnh nào, các nhà khoa học dựa theo hệ số lây nhiễm cơ bản, gọi là R0. R0 tương ứng với số người trung bình bị lây nhiễm từ một người khác mang virus. Hệ số R0 càng cao, bệnh càng lây mạnh. Sau khi tính toán số liệu ca nhiễm và các yếu tố ảnh hưởng như khí hậu ở Trung Quốc từ tháng 1, các nhà khoc học ở Đại học Beihang Bắc Kinh đã kết luận, hệ số lây nhiễm ở những khu vực phía Bắc tương ứng với 2,5, cao hơn đáng kể so với các khu vực nóng hơn ở phía Nam.
Một nghiên cứu khác được đăng tải trên tạp chí Bệnh truyền nhiễm của các tác giả là những nhà khoa học tại Đại học Greifswald và Đại học Bochum (Đức) tập trung vào vòng đời của các chủng virus Corona trên nhiều bề mặt khác nhau. Nghiên cứu cũng có kết luận tương tự, theo đó việc gia tăng nhiệt độ có tác động tới vòng đời của virus bất kể trên bề mặt nào.
Nguyên nhân là do ở bên ngoài virus chủng Corona có một lớp hiểu nôm na là lớp mỡ, bảo vệ các tế bào bên trong. Nếu nhiệt độ cao, thời tiết nóng, lớp vỏ này khô nhanh, khiến virus bị vô hiệu hóa. Ngoài ra, khí hậu càng ẩm, virus càng khó lây lan bởi mồ hôi và dịch cơ thể thường có ít khả năng bốc hơi ra ngoài môi trường và virus cũng có ít khả năng tồn tại trong thời tiết ẩm.
Những nghiên cứu nói trên cần phải được đánh giá bởi một hội đồng y khoa trước khi chính thức được công nhận. Tuy nhiên, cho tới nay chưa có các nghiên cứu phản bác. Có thể có cơ sở để tin rằng virus SARS-CoV-2 lây lan chậm hơn trong điều kiện thời tiết nóng hơn và ẩm hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!