Từ khi sinh ra và lớn lên, đã gần 30 năm qua, anh Đạt vẫn phải sử dụng nhà vệ sinh với hố xí bệt, mái lợp fibro xi măng. Cả khu vệ sinh có 2 hố tiêu, được dùng chung cho cả chủ và 6 căn khách trọ.
Vữa tường bở tung, căn nhà đơn sơ, tiều tụy khiến người lạ mới đến không nghĩ rằng đây lại là một nơi nằm ngay cạnh con đường Lê Văn Lương hiện đại, ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội.
Dù rất muốn nhưng anh Đạt không thể sữa chữa, xây mới nhà cửa, bởi 200 m2 đất thổ cư của gia đình anh nằm trong quy hoạch của một dự án đã bị treo gần 20 năm qua.
Trước đây, làng cổ Hòa Mục có 3 nhà thờ họ, sau khi dự án mở đường Lê Văn Lương được triển khai, chỉ còn lại duy nhất 1 nhà thờ. Ông Sơn (phường Trung Hòa) cho biết, căn nhà thờ họ của ông đã có tuổi đời hàng trăm năm. Khu đất này có cả bìa đỏ bằng chữ Nho. Dù vẫn giữ lại được nhà thờ họ, nhưng theo ông Sơn, căn nhà này lại bị đưa vào quy hoạch của một dự án xây dựng nhà chung cư ngay mặt đường Lê Văn Lương. Đã từng có những người đến gặp ông Sơn đàm phán bồi thường để di dời nhưng ông không đồng ý.
Theo đại diện phòng quản lý đô thị quận Cầu Giấy, khu vực dự án treo mà người dân làng Hòa Mục phản ánh nằm trong quy hoạch dự án xây dựng, cải tạo, chỉnh trang hai bên tuyến đường Lê Văn Lương. Khu đất của 80 hộ dân này hiện có ký hiệu là N17 và N18. Dự án này đã có quyết định thu hồi đất và được UBND TP Hà Nội giao cho Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư.
Về phía người dân, họ cho biết, lý do dự án chưa thể triển khai là bởi người dân không đồng tình với mức giá bồi thường của chủ đầu tư. Thậm chí, nhiều hộ kiên quyết dù trả giá cao họ cũng không đồng ý di dời. Dù mỗi hộ dân tại đây có tới hàng trăm mét vuông đất giữa lòng thủ đô, nhưng họ vẫn phải sống trong những căn nhà mái ngói phủ bóng rêu phong.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!